Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế, cho biết mỗi năm, Việt Nam có 300.000-350.000 ca phá thai. Trong đó, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi từ 15-49 có chồng thì 62 trường hợp là mang thai ngoài ý muốn.
Hiện dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm (năm 1993) đã giảm xuống còn 1,07% vào năm 2017. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người.
Bảng giá dịch vụ tự nguyện sinh đẻ kế hoạch tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: HQ. |
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo đạt cực đại vào năm 2027-2028.
Theo ông Tú, nhu cầu tránh thai của vị thành niên, thanh niên ngày càng tăng và đa dạng nhưng việc tư vấn, cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cho đối tượng này còn hạn chế.
Đây chính là lý do quan trọng khiến tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. Bên cạnh đó, tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có xu hướng gia tăng.
Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở nước ta là 76,4%. Trong số các biện pháp tránh thai, đặt vòng vẫn là phổ biến nhất (45,5%), kế đến là uống thuốc tránh thai (20,1%), bao cao su (15,6%)...
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi một phút, có 38 ca phá thai không an toàn trên thế giới, cứ 8 phút lại có một ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Hàng năm, khoảng 80 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó, 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai, 20-22 triệu ca phá thai không an toàn, 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn (chiếm 13%).
Mỗi năm, thế giới có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do biến chứng của phá thai không an toàn và hầu hết xảy ra ở các nước đang phát triển.