Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biết con trầm cảm, cha mẹ vẫn không thể chữa trị

Tại Mỹ, việc khám tâm lý cho trẻ em đang được mở rộng. Tuy vậy, sau khi trẻ được chẩn đoán, nhiều gia đình vẫn chật vật tìm kiếm sự hỗ trợ do thiếu hụt nguồn lực.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần ở trẻ em và thanh thiếu niên đã trở nên trầm trọng hơn trước những thay đổi về nếp sống, đi kèm sự cô lập và mất mát trong đại dịch.

Bởi vậy, nhiều trường học đã bổ sung hoặc mở rộng việc kiểm tra sức khỏe tâm lý cho học sinh. Đầu tháng 10, một hội đồng chuyên gia y tế đã khuyến nghị trẻ em và thanh thiếu niên ở độ tuổi 8-18 xét nghiệm rối loạn lo âu, theo WSJ.

Nhiều gia đình chưa hiểu rõ phương thức khám tâm lý cũng như cách đối phó nếu trẻ gặp vấn đề. Trong khi đó, các bác sĩ và chuyên gia tâm lý trẻ em thường có danh sách chờ khám kéo dài hàng tháng. Nhiều bên cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý không nhận bảo hiểm, gây áp lực lớn về tài chính cho phụ huynh.

Nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm lý tại trường học cũng hạn chế. Trung bình, cứ 1.200 học sinh thì mới có một nhà tâm lý học học đường, theo Hiệp hội Tâm lý Học đường Quốc gia (NASP).

Nhu cầu tăng, nguồn lực hạn chế

Các trường học và chuyên gia đang cố gắng giải quyết sự thiếu hụt nguồn lực. Một số trường tạo nhóm trị liệu, dạy trẻ cách quản lý cảm xúc hoặc tăng cường đào tạo cho nhân viên sức khỏe tâm lý. Nhiều bác sĩ nhi khoa hướng dẫn các gia đình về những thói quen giúp cải thiện sức khỏe tâm lý như ngủ đủ giấc, tập thể dục, ăn uống lành mạnh.

"Thách thức tiếp theo sẽ là cách đối phó khi biết một người đang có nguy cơ gặp vấn đề tâm lý. Việc này còn khó khăn hơn bởi các nguồn lực về sức khỏe tinh thần còn rất hạn chế", bác sĩ nhi khoa Katherine Williamson cho biết.

tre em My tram cam anh 1

Nhiều trẻ em đang được chẩn đoán mắc rối loạn tâm lý, trong khi không có đủ nguồn lực để giải quyết. Ảnh: Healthline.

Một số trường cho biết họ chỉ kiểm tra tâm lý cho số ít học sinh vì không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

"Nếu chúng tôi tổ chức khám cho 700 trẻ về chứng lo âu, khoảng 35-40% sẽ được chẩn đoán mắc rối loạn. Chúng tôi không biết đối phó ra sao với việc này", tiến sĩ Ryan Sherman, giám đốc bộ phận chăm sóc sức khỏe của trường công lập Medway (Massachusetts, Mỹ), cho biết.

Năm 2021, Medway quyết định chỉ kiểm tra những học sinh lớp 7 và 8 thường xuyên vắng mặt vì chứng lo âu. Những em bị chẩn đoán mắc rối loạn cấp độ vừa hoặc nghiêm trọng được mời tham gia nhóm thảo luận về cách đối phó, diễn ra hàng tuần. Nhóm cũng hỗ trợ trẻ thực hành quản lý suy nghĩ và cảm xúc lo âu.

Tại Mỹ, có nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau để đánh giá sức khỏe tâm lý trẻ em.

Một số trường học kiểm tra các vấn đề cụ thể như chứng lo âu, ý định tự sát hoặc triệu chứng căng thẳng hậu sang chấn. Số khác sử dụng bảng câu hỏi về sự hòa nhập xã hội và sức khỏe cảm xúc. Trẻ được hỏi về cảm giác kết nối với trường học, mức độ sẵn sàng tiếp tục nỗ lực khi gặp trở ngại, cũng như sự lạc quan.

tre em My tram cam anh 2

Mỗi trường học áp dục cách đánh giá sức khỏe tâm lý khác nhau. Ảnh: Everyday Health.

Nỗ lực giải quyết

Bác sĩ nhi khoa Katherine Williamson đang hỗ trợ triển khai hệ thống chẩn đoán trầm cảm thường niên cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trong đó, có những câu hỏi về mức độ người bệnh bị ảnh hưởng bởi “sự thiếu hứng thú với mọi thứ” hoặc “khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ quá nhiều” trong 2 tuần trở lại.

Những bệnh nhân cần điều trị tâm lý của Williamson thường phải đợi vài tháng để được gặp bác sĩ hoặc chuyên gia. Trong thời gian đó, bác sĩ Williamson giúp gia đình tập trung đảm bảo con họ ngủ đủ giấc, tập thể dục và ăn uống lành mạnh, bởi tất cả đều có thể ảnh hưởng sức khỏe tâm lý.

Nếu trẻ có nguy cơ tự tử, cô khuyến cáo phụ huynh không để súng trong nhà và cất kỹ thuốc. Những trẻ đã có ý định hoặc kế hoạch tự sát rõ ràng cần được đưa đến phòng cấp cứu.

Một số chuyên gia dạy trẻ kỹ năng đối phó từ liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy) - phương pháp trị liệu hiệu quả cho chứng lo âu và trầm cảm. Các bác sĩ cũng điều trị trẻ em và thanh thiếu niên bằng thuốc chống trầm cảm như Prozac và Lexapro.

tre em My tram cam anh 3

Các chuyên gia và trường học phải tìm cách đối phó với tình trạng quá tải trẻ em mắc vấn đề tâm lý. Ảnh: WSJ.

Một số trường sử dụng việc kiểm tra sức khỏe tâm lý để xây dựng các bài học về kỹ năng như đưa ra quyết định và làm chủ cảm xúc.

Theo Sheila Desai, giám đốc thực hành giáo dục tại Hiệp hội Tâm lý Học đường Quốc gia, phụ huynh sẽ được thông báo về cách đánh giá tâm lý trong trường học. Họ được quyền xem xét các câu hỏi trong bài kiểm tra và cũng có thể chọn không cho con tham gia.

Một số phụ huynh phản đối việc khám tâm lý, bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư y tế và đặt câu hỏi về vai trò của trường học đối với sức khỏe tinh thần của học sinh. Mặt khác, nhiều người hoan nghênh các biện pháp.

"Sẽ rất tuyệt nếu có thể phát hiện cảm xúc tiêu cực hay lo âu ở trẻ. Đôi khi, cha mẹ không nhận biết được điều đó”, Jordan Denslow, một người mẹ ở Connecticut (Mỹ) cho biết. Cô cũng cho con trai 11 tuổi khám tâm lý tại trường học.

John Crocker, giám đốc dịch vụ sức khỏe tinh thần và hành vi tại học khu Methuen (Massachusetts, Mỹ), tin rằng việc khám tâm lý và các biện pháp can thiệp đi kèm sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Khoảng 38% học sinh trung học có kết quả cho thấy triệu chứng căng thẳng hậu sang chấn ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, ông Crocker nói. Những học sinh đó được mời tham gia các nhóm trị liệu hoặc điều trị riêng với chuyên gia tâm lý và nhân viên xã hội tại trường.

Trẻ em ảo tưởng làm KOL vì nghiện mạng xã hội

Influencer trở thành một trong những công việc được khao khát nhất của cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, mọi thứ được tô hồng trên mạng khiến họ có kỳ vọng không thực tế.

Mai Hoàng

Bạn có thể quan tâm