Khi nhắc tới “cậu bé Google” hay “hot girl ống nghiệm”, khán giả của sân chơi Olympia dễ dàng nhận ra thí sinh, song không phải ai cũng biết câu chuyện đằng sau những nickname đó.
Năm 2014, Phan Đăng Nhật Minh nổi tiếng với biệt danh “cậu bé Google” khi trở thành quán quân cuộc thi Chinh phục. Tham gia sân chơi Olympia năm thứ 17, nam sinh lớp 11A3, trường THPT Hải Lăng (Quảng Trị) một lần nữa gây chú ý với tư duy “nhanh như chớp”, cùng kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, chàng trai nổi bật nhất Olympia năm 2016 còn được gọi là "cậu bé Mặt Trời"…
Khi đứng trên bục vinh quang của chung kết Olympia năm thứ 16 - Hồ Đắc Thanh Chương (THPT Quốc học Huế) – chỉ nở nụ cười nhẹ, từ tốn cúi xuống nhận chiếc vòng nguyệt quế mạ vàng đầu tiên trong lịch sử Đường lên đỉnh Olympia. Vì vậy, nam sinh được mệnh danh là “Quán quân mặt lạnh”. Thanh Chương vốn là cậu bé điềm tĩnh, ít cười. Cậu biết đọc từ năm 4 tuổi, viết chữ đẹp và gấp giấy Origami rất khéo.
“Thanh niên nghiêm túc” Lê Duy Bách là người có tổng số điểm cao nhất trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2016 với 380 điểm. Bạn bè nhận xét cựu nam sinh trường Ams rất nghiêm túc khi học, song rất đáng yêu và hay giúp đỡ mọi người. Tuy không bước lên bục vinh quang trong trận chung kết Olympia năm thứ 16, Duy Bách vẫn khiến khán giả yêu mến bởi tinh thần lạc quan và tôn trọng đối thủ. Hiện chàng trai Hà thành là sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Mai Thị Minh Huyền (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) từng “gây bão” tại Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16 nhờ gương mặt khả ái cùng sự thông minh, nhanh nhạy. Nữ sinh trả lời đúng 11/11 câu hỏi phần thi Khởi động tại cuộc thi tuần - thành tích chỉ có Lê Vũ Hoàng (quán quân Olympia mùa 6) từng đạt được tới thời điểm đó. Đáng tiếc, trong cuộc thi quý 4, Minh Huyền dừng bước ở vị trí thứ 2, khép lại ước mơ mang cầu truyền hình về trường.
9X hiện là sinh viên ĐH Ngoại Thương, cơ sở TP.HCM.
Sự xuất hiện của Phạm Tường Lan Thy - người đầu tiên được sinh ra từ ống nghiệm tại Việt Nam năm 1998 – khiến khán giả Olympia mùa 16 chú ý. Dù không tiến xa, vẻ ngoài xinh xắn, thu hút của đại diện trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM từng là chủ đề hot trên mạng xã hội một thời gian dài. Sau cuộc thi, Lan Thy có thêm biệt danh mới “hoa khôi Olympia”. Với bảng thành tích dài, 9X khiến nhiều người bất ngờ vì cả 5 môn thi THPT quốc gia 2016 chỉ đạt từ 7 trở xuống. Lan Thy cho biết cô chỉ cần đủ điểm đỗ tốt nghiệp và sẽ đi du học tại Nhật Bản với học bổng toàn phần.
Văn Viết Đức - thí sinh tự nhận mình điển trai nhất, đồng thời là quán quân Olympia năm thứ 15 - được khán giả nhớ tới với biệt danh “Vua vượt chướng ngại vật”. Ở cuộc thi tuần, quý, năm, nam sinh trường THPT Thị xã Quảng Trị đều giải được ô chữ bí mật chỉ sau một từ gợi ý. Một số điều thú vị về “cá tràu” (nickname do bạn bè đặt) Viết Đức là không dùng Facebook và từng hay đi học muộn vì… bận bế em. 9X đã lên đường du học Australia vào giữa tháng 7 vừa qua.
Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 – Hồ Ngọc Hân – có biệt danh “nụ cười thiên thần” từ một kỷ niệm vui hồi lớp 10. Theo đó, khi các bạn lén kể chuyện cười trong giờ học, mọi người chỉ tủm tỉm, song nam sinh lại cười phá lên. Sau “tai nạn” đó, Ngọc Hân bị thầy phạt và mang nickname dễ thương đó cho tới giờ. Cựu học sinh trường THPT Quốc học Huế hiện học tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia) - ngôi trường của những nhà "vô địch leo núi".
Trong cuộc thi quý 1, "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 17, Phan Đăng Nhật Minh - trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị - chiến thắng với 295 điểm, giành vé đầu tiên vào chung kết.
Ngoài ra, học sinh cấp 2 ôm hôn giữa trung tâm thương mại ở Sài Gòn, Minh Nhật bị tố "đạo" thư, Lâm Á Hân livestream cãi nhau với chồng... cũng thu hút sự quan tâm từ dân mạng.
Cuộc thi quý 1 của Olympia năm thứ 17 hứa hẹn kịch tính với sự tham gia của “cậu bé Google” Phan Đăng Nhật Minh. Nhiều người chờ đợi một kỷ lục điểm số sẽ được thiết lập.