Ngày 9/8, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành để hoàn thiện dự thảo "Quy chế và nội quy quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận".
Điều 6 của quy chế quy định cụ thể các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và các hoạt động khác ở phố đi bộ, được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp nhiều ý kiến.
Quy chế nêu rõ: Các tổ chức, cá nhân tổ chức, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật… trong không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cáp phép.
"Thực hiện biểu diễn theo đúng nội dung được cấp phép, thực hiện nghiêm túc các quy định về trang phục, dụng cụ biểu diễn, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các quy định khác của pháp luật", điều 6 quy chế nêu rõ.
Góp ý cho nội dung này, ông Nguyễn Công Anh, Trưởng phòng Văn bản pháp quy (Sở Tư pháp Hà Nội) lấy dẫn chứng vụ cháu bé chơi đàn violin bên hồ Gươm bị lực lượng chức năng hỏi giấy phép biểu diễn, dẫn đến những bức xúc cho bố mẹ cháu.
"Vụ việc xảy ra khi chưa có quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ. Với việc quy chế này ra đời trong thời gian tới, tôi hi vọng sẽ giải quyết được những khúc mắc kể trên", ông Nguyễn Công Anh nói.
Đồng quan điểm này, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Đình Phong cho rằng việc tổ chức các sự kiện văn hóa được tổ chức ở phố đi bộ đều phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Trong trường hợp cần cấp phép hoạt động, các đơn vị liên quan sẽ cấp phép, còn không thì vẫn phải có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan chức năng, trong đó có quận Hoàn Kiếm.
“Cháu bé muốn chơi đàn ở đâu, khu vực nào vẫn phải có quy định cụ thể. Nói như vậy để thấy quy chế này rất quan trọng, để chúng ta quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động ở phố đi bộ”, ông Nguyễn Đình Phong đề cập đến trường hợp cháu bé chơi đàn bị nhắc nhở.
Biểu diễn nghệ thuật ở phố đi bộ hồ Gươm và khu vực phụ cận phải được cấp phép hoặc sự đồng ý của chính quyền. Ảnh: Việt Hùng. |
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội thống nhất với những quy định trong điều 6. "Các tổ chức, cá nhân biểu diễn ở đây phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Có như vậy mới quy định được hoạt động biểu diễn ở đây phải có âm thanh loa đài thế nào, trang phục ra sao, hát những bài gì", vị này khẳng định.
Theo đại diện Sở Văn hóa, hoạt động biểu diễn nhỏ lẻ của các tổ chức, cá nhân ở phố đi bộ đang là vấn đề làm khó các cơ quan quản lý.
Thời gian qua, nhiều gia đình đăng ký biểu diễn cho con nhỏ ở phố đi bộ nhưng không được Sở Văn hóa - Thể thao cấp phép. "Dù không cấp phép, các đơn vị liên quan cũng nên hướng dẫn, xem xét cho từng trường hợp cụ thể đăng ký biểu diễn các tác phẩm trong khư vực nhất định tại phố đi bộ", đại diện Sở Văn hóa nói.
Nói thêm về nội dung này, ông Nguyễn Công Anh phân tích những hoạt động văn hóa không được cấp phép ở phố đi bộ đang rất lộn xộn.
“Ở đây có rất nhiều hoạt động, nếu mình không điều chỉnh thì khó quản lý, đến một thời điểm nào đó sẽ không đạt được mục tiêu của phố đi bộ. Do vậy, người dân phải đăng ký biểu diễn, khi sai thì lực lượng chức năng có cơ sở để trao đổi với họ”, Trưởng phòng Văn bản pháp quy nhấn mạnh.
Dự thảo quy chế này gồm 4 chương, 25 điều sau khi lấy ý kiến sở, ngành, sẽ lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, sau khi hoàn thiện UBND Hà Nội sẽ ban hành. Dự thảo quy định 12 nhóm hành vi bị cấm trong không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận.
Trong đó, cấm tổ chức biểu tình, tuần hành, tập trung đông người, tuyên truyền các nội dung trái pháp luật, tổ chức các hoạt động gây mất trật tự công cộng; cấm dắt, thả vật nuôi, gia súc, gia cầm ra đường phố và các khu vực công cộng khác; nghiêm cấm việc xả rác thải, chất thải, phóng uế, tiểu tiện, chất thải của vật nuôi không đúng nơi quy định...
Các tuyến phố đi bộ ở khu vực hồ Gươm và phụ cận. Ảnh: Phượng Nguyễn. |