Không còn những bộ cánh thùng thình, oversize cá tính, nữ ca sĩ nổi tiếng Billie Eilish gần đây bị bắt gặp xuống phố đi dạo ở Los Angeles (Mỹ) với áo hai dây, quần short, dép lê. Với cô, đây chỉ là buổi đi dạo bình thường trong trang phục giúp bản thân thoải mái.
Thế nhưng, chiếc áo hai dây Billie mặc trên người lại trở thành mục tiêu “ném đá” của cư dân mạng.
"Giờ thì tôi biết tại sao cô ấy hay mặc đồ rộng rồi", "Cô ấy trông thật xồ xề", "Eilish nên quay lại mặc đồ rộng đi, trông lộn xộn và khó chịu quá" là một số lời chê bai ngoại hình nữ ca sĩ từ cộng đồng mạng quốc tế.
Lần hiếm hoi không diện đồ cá tính ra ngoài, Billie Eilish lại bị miệt thị ngoại hình vì mặc áo hai dây. Ảnh: Daily Mail. |
Từ lâu, phụ nữ đã bị phán xét thông qua bộ đồ mặc trên người, nhất là khi họ diện các loại trang phục lộ ra bộ phận khác nhau trên cơ thể.
Không chỉ phán xét bộ đồ có phù hợp với cơ thể họ hay không, nhiều người sẵn sàng miệt thị ngoại hình, thậm chí đánh giá con người, phẩm giá của phụ nữ chỉ qua trang phục.
Mặc áo hai dây, quần short là hư hỏng
Áo hai dây, quần short trước giờ vẫn là món đồ được các cô gái yêu thích, song việc mặc chúng nhiều lần bị đánh đồng là cố tình ăn mặc hở hang, thiếu vải, gạ tình.
Tháng 8/2019, bài viết mang tên Wish Chinese girls the freedom to dress (tạm dịch: Mong ước phụ nữ Trung Quốc có quyền tự do ăn mặc) gây ra tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng WeChat.
Nội dung bài viết đề cập đến thực tế phụ nữ ở đất nước tỷ dân phải chịu những lời bình phẩm ác ý, trò đùa thô tục nếu quần áo của họ để lộ nhiều da thịt.
“Nếu các cô gái ăn mặc theo cách khiến những khuyết điểm trên người lộ ra rõ hơn, họ sẽ bị chế giễu công khai”, tác giả đề cập.
Trong vòng 24 giờ, bài đăng thu hút hơn 5 triệu lượt xem, làm dấy lên cuộc tranh luận không hồi kết, đến mức người viết phải xóa đi sau khi bị nhiều tài khoản phản đối ấn report (báo cáo).
Mặc trang phục như áo hai dây, quần short ra ngoài, phụ nữ Trung Quốc dễ bị phán xét là hư hỏng. Ảnh: CGTN. |
Dưới bài viết, không khó để bắt gặp các bình luận phân biệt giới tính, như trang phục thể hiện nhân phẩm phụ nữ hay quan điểm đàn ông cần có tiếng nói trong việc bạn gái, vợ và con gái của họ nên ăn mặc thế nào khi ra đường lẫn ở nhà.
Li Xiang (25 tuổi, Thượng Hải) từng cãi vã và chia tay bạn trai vì bức ảnh cô đăng lên mạng trong trạng thái ngồi bên cửa phòng ngủ, mặc quần short và áo hai dây. Li bị bạn trai mắng nhiếc là cố tình khêu gợi, ăn mặc phản cảm.
“Không đàn ông nào chấp nhận bạn gái ăn mặc như vậy” là lý lẽ bạn trai cô đưa ra. Tranh cãi gay gắt, hai người quyết định chấm dứt mối quan hệ.
“Như thể anh ta có quyền quyết định xem tôi mặc đồ gì”, Li nói.
Năm ngoái, một cuộc thăm dò trực tuyến về việc phụ nữ có nên mặc áo hai dây ở nơi công cộng được thực hiện trên mạng xã hội Weibo. Kết quả chỉ ra khoảng 70% trong số gần 14.000 người được hỏi cho biết họ không dám mặc như vậy ra đường. Hơn 20% nói bạn trai không cho phép, hoặc lo lắng họ bị quấy rối.
Tiêu chuẩn kép đặt lên trang phục phụ nữ
Sự thực là phụ nữ dễ phải đối diện với tiêu chuẩn kép đặt lên họ, từ cách họ nên ăn mặc thế nào để vừa lòng số đông.
Trước đó, Billie Eilish từng lên tiếng giải thích cô thường xuyên mặc đồ quá cỡ như một cách bảo vệ bản thân mình trước những ánh mắt soi mói dính chặt lên cơ thể.
"Cơ thể sinh ra là của tôi đúng không? Nhưng nếu tôi mặc đồ rộng, cá tính thì bị chỉ trích không phải phụ nữ, tôi mặc gợi cảm lại nói là hư hỏng. Giá trị của tôi chỉ phụ thuộc vào bạn hay sao?”, ca sĩ 18 tuổi chỉ ra.
Sao Hoa ngữ bị "ném đá" vì diện trang phục lấp ló vòng một. Ảnh: Weibo. |
Joy Lin, nhà hoạt động nữ quyền ở Thượng Hải, cho rằng dù luật pháp Trung Quốc không cấm phụ nữ mặc áo hở vai, áo sát nách khi ra đường nhưng phái nữ chưa bao giờ thực sự được tự do ăn mặc.
“Mọi người sẽ đánh giá nhân cách và đạo đức dựa vào trang phục trên người một cô gái. Nếu ăn mặc quá tự do, họ sẽ nói là cô gái kia đang muốn bị sàm sỡ. Nếu không hở tí da thịt nào, lại bị gọi là ‘cứng nhắc’. Nếu mặc xuề xòa, lại bị cho là ‘dama’ (từ lóng Trung Quốc có ý miệt thị, dành cho phụ nữ trung tuổi hoặc cao tuổi)”, Lin cho biết.
Thậm chí, việc diện trang phục gợi cảm còn bị nhiều người lấy làm cái cớ để đổ lỗi cho phụ nữ trong trường hợp họ bị quấy rối tình dục.
Năm 2018, vụ kiện hiếp dâm ở Ireland từng gây phẫn nộ vì tòa tuyên trắng án cho thủ phạm. Luật sư bào chữa cho bị cáo tuyên bố trước tòa rằng chiếc quần lót bằng ren nạn nhân mặc là bằng chứng cho thấy sự đồng thuận quan hệ tình dục giữa hai bên.
"Hãy nhìn cách cô ta ăn mặc", vị luật sư đưa ra lập luận, dẫn tới việc kẻ hiếp dâm không phải đền tội.
Trong cuốn sách I am not a slut: Slut-Shaming in the Age of the Internet (tạm dịch: Tôi không phải gái mại dâm: Phụ nữ bị chỉ trích là mất nết trong thời đại Internet), tác giả Leora Tanenbaum chỉ ra thực trạng xã hội một mặt khuyến khích các cô gái thể hiện nét gợi cảm, song đồng thời đổ lỗi cho họ nếu ăn mặc sexy.
Phái nữ có quyền tự do ăn mặc
Tác giả bài viết trên WeChat từng nhấn mạnh phụ nữ ở Trung Quốc thường phải đối mặt với sự soi mói quá mức về cách họ ăn mặc nơi công cộng. Kết quả là họ bị xấu hổ vì mặc những bộ quần áo được coi là bình thường trong một xã hội tự do hơn.
"Một cô gái, bất kể hình dáng cơ thể hay màu da của cô ấy, đều cần có quyền tự do ăn mặc. Cô ấy không nên bị hạn chế hoặc ngăn cản bởi những người khác và không nên bị đánh giá dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả lời nói và hành động”.
Một cô gái, bất kể hình dáng cơ thể hay màu da của cô ấy, đều nên có quyền tự do ăn mặc. Ảnh: CGTN. |
Nữ giới Trung Quốc từng lên tiếng ủng hộ nữ diễn viên Nhiệt Y Trát (Reyizha Alimjan) sau khi dân mạng cáo buộc cô “cố gây sự chú ý bằng bộ ngực hơn là tài năng”. Nguyên nhân đến từ việc cô diện quần jean và áo hai dây khoét sâu khi xuất hiện tại sân bay Thượng Hải.
“Bộ đồ không nói lên con người và đám đông cần có cái nhìn cởi mở hơn”, một tài khoản bình luận.
Tương tự với trường hợp của Billie Eilish, nhiều người chỉ trích chuyện vô cớ tấn công và miệt thị ngoại hình chỉ vì cô diện áo hai dây là hành động kém văn minh.
Dự án Being Dress-coded do Leora Tanenbaum khởi xướng trên mạng xã hội, kêu gọi các cô gái kể lại trải nghiệm bị coi thường, phán xét chỉ vì cách họ ăn mặc.
Sau phán quyết gây phẫn nộ tại Ireland, chiến dịch mang tên #ThisIsNotConsent (tạm dịch: Đây không phải là sự đồng ý) lan tỏa trên Twitter. Phụ nữ tham gia sẽ đăng ảnh họ mặc quần lót lên mạng để phản đối quyết định cảm tính, hạ thấp nữ giới của tòa án.
"Tôi từng thích mặc những chiếc áo phông rộng rãi, nhưng nhanh chóng bị cha nhắc nhở con gái không nên diện đồ theo phong cách tomboy. Sau đó, tôi nhận ra rằng ngay cả khi ăn mặc tiết chế, tôi vẫn sẽ bị chỉ trích”, một người dùng có tên Yolanda ở Trung Quốc kể lại.
"Còn giờ, tôi thường xuyên bị người đi đường nhìn vì hay mặc áo có đường khoét cổ sâu. Tôi đã quen với điều đó và nhìn lại họ ngay lập tức. Tôi hy vọng những cô gái sẽ mạnh dạn hơn và tự đứng lên. Khi đủ người chống lại định kiến, mọi người tự khắc phải quen với điều đó và tôn trọng chúng tôi”, Yolanda khẳng định.