Bình Định có tham vọng trở thành điểm đến thứ 6 đón khách quốc tế tới Việt Nam, bên cạnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào những gì Bình Định và các doanh nghiệp trong tỉnh đã cùng nỗ lực. Tuy nhiên, để đi tới con đường thành công đó, tỉnh Bình Định vẫn còn nhiều thứ phải làm từ y tế, kinh doanh, tuyên truyền đến người dân.
Mục tiêu của tỉnh Bình Định
Nội dung đón khách quốc tế nhận được nhiều chú ý tại phiên 2 tọa đàm "Bình Định kích hoạt du lịch Xanh: Điểm đến an toàn - Trải nghiệm hấp dẫn" diễn ra vào sáng 13/11 ở Quy Nhơn. Đây là chuỗi sự kiện do UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tập đoàn FLC tổ chức từ 12/11 đến 14/11.
Theo đại diện UBND tỉnh Bình Định, từ giờ tới cuối năm, họ sẽ phấn đấu đón 25.000-30.000 khách du lịch nội địa từ TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai, Phú Yên.
Trong năm 2022, nếu tình hình Covid-19 được kiểm soát, tỉnh tiếp tục tăng cường đón khách du lịch. Giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh muốn bắt đầu đón được khách quốc tế. Cụ thể, mục tiêu của tỉnh Bình Định là 400.000 khách trong nước tới Quy Nhơn và 100.000 khách quốc tế đến Bình Định.
Ông Thiên đánh giá cao vẻ đẹp an toàn của Bình Định. |
Những con số trên hoàn toàn không nhỏ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết Bình Định đang trong tư thế sẵn sàng mở cửa đón khách.
"Những người yêu du lịch luôn trong tư thế sẵn sàng. Đặc biệt sau khi tiêm vaccine, họ càng yên tâm hơn. Thông tin về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ ảnh hưởng tích cực tới việc phục hồi du lịch. Việc Bình Định đăng cai một buổi tọa đàm để khởi động du lịch cho thấy tỉnh rất sẵn sàng đón du khách trở lại.
Theo tôi, Bình Định và nhiều tỉnh của Việt Nam đáp ứng nhu cầu du lịch cả lúc có và chưa có dịch bệnh. Bình Định rất đẹp, thành phố Quy Nhơn sở hữu yếu tố "đẹp đáng tin cậy" bởi tính an toàn cao khi có vùng biển vắng vẻ, sạch sẽ", ông cho biết.
Chuẩn bị gì cho làn sóng khách quốc tế?
Trong đợt kích cầu, khởi động lại du lịch này, Bình Định đã ở một tâm thế khác. Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, thành phố Quy Nhơn đã phủ tới 97% vaccine cho người dân.
Với con số này, đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định tin địa phương đã sẵn sàng khôi phục du lịch với mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an toàn.
Bà Bùi Hải Huyền, Thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC đề xuất sớm phê duyệt việc công nhận Bình Định là điểm đến xanh, cụ thể trước tháng 1/2022.
Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các tỉnh lân cận để hấp dẫn du khách, theo đúng tiêu chí thông điệp một điểm đến, nhiều trải nghiệm. Bình Định cũng cần nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tại địa phương, du khách, người dân.
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp để biến Bình Định thành điểm đến mới thu hút. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong các công ty du lịch, lữ hành khác cũng đưa ra sáng kiến cho tỉnh Bình Định để giới thiệu, quảng bá tới các hãng du lịch nước ngoài", bà Huyền cho biết.
Các doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa Bình Định trở thành điểm đến thứ 6 được đón khách quốc tế. Ảnh: VnTrip. |
Về phía FLC, đơn vị này đã thiết lập "vành đai du lịch xanh khép kín", qua đó đáp ứng tiêu chí một điểm đến, đa lựa chọn. Khu nghỉ dưỡng cung cấp dịch vụ như hệ thống sân golf 36 lỗ, dịch vụ du thuyền trên biển Quy Nhơn, 20 nhà hàng, quán bar, quán cà phê.
Từ góc độ doanh nghiệp, TS Cao Trí Dũng, Chủ tịch Travelmart, cho biết trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp đang có những cơ hội để bứt lên. Vai trò của họ trong giai đoạn này đặc biệt quan trọng. Những công ty lữ hành, các hãng hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt khách trở lại điểm đến.
Theo ông Dũng, các tỉnh cần dựa vào những công ty lữ hành, hãng hàng không để phục hồi chủ động thị trường và có định hướng rõ ràng.
"Tôi nhận thấy Bình Định có đủ điều kiện để làm điều đó. Tôi đề xuất lãnh đạo tỉnh cần tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển. Các cơ sở du lịch, dịch vụ cần nhanh chóng hình thành những sản phẩm đặc sắc. Bên cạnh các sản phẩm từ FLC, những doanh nghiệp lữ hành khác cũng cần đưa ra những sản phẩm thế mạnh, đặc sắc hơn", ông Dũng nói.