Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bình yên nhé, Đà Nẵng ơi', hành trình chống dịch mới lại bắt đầu

Trong hành trình chống dịch Covid-19 mới, người ta thấy tinh thần đoàn kết, sự tích cực từ các bức tranh, hashtag trên MXH, hành động tự giác cách ly, lời động viên gửi y bác sĩ.

Sau 99 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, từ sáng 25/7, Đà Nẵng ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 với 29 bệnh nhân được công bố. Thành phố biển miền Trung trở thành điểm nóng mới trong công cuộc chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Đà Nẵng hay các địa phương phát hiện ca nhiễm mới như Quảng Ngãi, Quảng Nam không hề đơn độc trong hành trình chống dịch với nhiều khó khăn, thách thức mới này.

Những ngày qua, người ta dễ dàng thấy tinh thần đoàn kết, sự tích cực được lan tỏa từ các bức tranh, hashtag cổ động trên mạng xã hội, hành động tự giác cách ly của người về từ vùng dịch hay lời động viên gửi tới đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

“Bình yên sẽ trở lại”

Từ 13h ngày 28/7, thành phố Đà Nẵng áp dụng cách ly 7/8 quận, huyện để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

Trên mạng xã hội những ngày qua, dân mạng không ngừng lan truyền bài đăng, hình ảnh, tranh vẽ, thông điệp cổ vũ Đà Nẵng cùng hashtag #StayStrongDaNang, #CoLenDaNang.

Bên cạnh đó, nhiều người chia sẻ thông báo về các hướng dẫn liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh, khuyên cộng đồng không đổ xô thu gom, tích trữ khẩu trang hoặc nước rửa tay, tránh tạo cơ hội cho kẻ xấu đầu cơ.

Một số cá nhân, tập thể ở “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” nhanh chóng dựng điểm phát khẩu trang tặng người đi đường. Hình ảnh về các địa điểm này liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội.

“Cám ơn tinh thần đạo đức, tấm lòng hảo tâm của mọi người. Cùng chung tay bảo vệ người dân, đẩy lùi dịch bệnh. Cố lên Đà Nẵng, sẽ qua nhanh thôi”, một dân mạng bày tỏ.

“Đà Nẵng chúng mình vẫn bình yên lắm. Người Đà Nẵng vẫn lặng yên, trầm tư chậm rãi trước cơn bão ngầm sắp đến, không phải vì họ không quan tâm, mặc kệ. Mà vì họ luôn tin vào chính quyền và họ yêu Đà Nẵng nên sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn này. Vì thế, ai ở chỗ nào thì ngồi yên chỗ đó. Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua, rồi bình yên cũng sẽ trở lại”, một diễn đàn chia sẻ.

cuoc chien chong dich Covid-19 anh 3

Dân mạng chia sẻ thông tin về các điểm phát khẩu trang miễn phí ở Đà Nẵng. Ảnh: Review Đà Nẵng.

Tài khoản Phy Trần chia sẻ cảm xúc khi làm nhiệm vụ cùng lực lượng dân quân tự vệ ở Đà Nẵng trong ngày đầu phong tỏa. “Cứ 5 phút lại nhận được đồ ăn, thức uống. Đã vậy còn có nhiều người đi ngang qua hỏi, thèm chi không cô chú mua. Mấy em 2K thì làm nước cam, nước chanh cho uống…”, người này viết.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các du khách còn kẹt lại Đà Nẵng, nhiều khách sạn trong thành phố cũng giảm giá tiền phòng, có nơi miễn phí trong 14 ngày cho khách.

Chia sẻ với Zing, đại diện khách sạn A25 Nguyễn Du (Đà Nẵng) - nơi miễn phí tiền phòng và chi phí ăn uống trong 14 ngày tới cho du khách đang lưu trú bị kẹt lại thành phố - cho biết việc làm này mang tinh thần tương trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh ai cũng gặp nhiều khó khăn.

“Mình đồng cảm được sự lo lắng của những người đang bị kẹt lại Đà Nẵng, chưa thể về nhà. Sự giúp đỡ này chỉ là phần hỗ trợ nhỏ về tài chính để động viên du khách, khiến họ cảm thấy không bị bỏ lại phía sau và yên tâm ở lại thành phố đến khi có thể về nhà”, người đại diện nói.

'Gia đình đang tự cách ly, hàng xóm thông cảm không lại gần'

“Gia đình mới đi du lịch Đà Nẵng - Quảng Ngãi về. (Tự cách ly 14 ngày) Xin hàng xóm thông cảm không lại gần. Xin cảm ơn”.

Đó là nội dung dòng thông báo được gia đình chị Lê Đặng Kim Oanh (33 tuổi) và anh Nguyễn Văn An (37 tuổi), ngụ tại ấp Hải Sơn, xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, in và dán trước cửa nhà để nhắc nhở hàng xóm tránh lại gần.

Chia sẻ với Zing, chị Oanh cho hay vừa nghe tin có ca nhiễm Covid-19 mới ở Đà Nẵng hôm 24/7, gia đình chị hủy chuyến du lịch, về nhà sớm hơn lịch trình và chủ động khai báo y tế, tự cách ly ở nhà 14 ngày.

Hành động đầy trách nhiệm giữa đợt dịch bệnh bùng phát của gia đình chị Oanh nhận được nhiều lời cảm ơn, khen ngợi từ dân mạng. Không dừng lại ở đó, những dòng thông báo tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nơi.

Hôm 28/7, cộng đồng mạng cũng chia sẻ hình ảnh bảng thông báo của hai gia đình ở đường Trương Vĩnh Ký (TP Quảng Ngãi) với nội dung: “Gia đình mới đi du lịch Đà Nẵng - Quảng Ngãi về. (Tự cách ly 14 ngày từ 25/7 đến 7/8) xin hàng xóm thông cảm không lại gần. Xin cảm ơn”.

Trước đó, hai gia đình này đã chủ động khai báo y tế và về nhà tự cách ly 14 ngày.

“Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch là đây”, “Tinh thần tự giác cao”, “Dịch bệnh sẽ không còn nếu ai cũng có ý thức như vậy”, “Bảo vệ cộng đồng cũng là bảo vệ chính mình”... là một số bình luận từ dân mạng về các câu chuyện ấm lòng trên.

Cùng với đó, những bài viết kêu gọi mọi người, đặc biệt những ai vừa đi du lịch, công tác trở về từ vùng có dịch không hoang mang, trốn tránh, tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch của chính quyền địa phương.

“Mọi thứ thật ôn hòa và lễ phép”

Trở về TP.HCM sau chuyến công tác tại Đà Nẵng, anh Tăng Gia Hải Lam (giám đốc điều hành một công ty tại TP.HCM) chia sẻ với Zing câu chuyện ấm lòng trong quá trình đi làm xét nghiệm sáng 28/7.

Ấn tượng lớn nhất của anh Lam là sự dễ chịu, ý thức tự giác của mọi người có mặt ở đó. “Nhân viên xét nghiệm mặc bộ đồ kín mít dưới nền nhiệt độ nóng dần theo thời gian nắng lên. Từng người dân lần lượt được lấy dịch họng, dịch mũi. Bạn trai là nhân viên thực hiện xét nghiệm bắt đầu bằng lời trấn an ‘Không sao đâu cô chú, nhanh lắm!’, và kết thúc với cái cúi đầu ‘Dạ con cảm ơn’”.

Khi các em nhỏ bắt đầu lo sợ và khóc, nam nhân viên y tế dỗ dành và trấn an cha mẹ các em, cuộc xét nghiệm diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.

Anh Lam khẳng định: “Dịch có thể ồn ào và căng thẳng ở đâu, nhưng riêng ở đây mọi thứ diễn ra trật tự, ôn hòa và lễ phép như vậy đó. Rồi tôi sẽ kể cho bạn bè quốc tế nghe về trải nghiệm của mình. Việt Nam chúng tôi chống dịch bằng sự tự giác, hợp tác và lễ phép với nhau như thế”.

Những ngày qua, nhiều hình ảnh đội ngũ y tế nỗ lực làm việc, tham gia công tác chống dịch cũng được cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ.

Sáng 29/7, khoảnh khắc các nữ y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng được đồng nghiệp giúp cắt ngắn mái tóc xuất hiện trên nhiều diễn đàn.

Theo đó, để tiện làm việc liên tục trong nhiều giờ, hỗ trợ chữa trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế, đặc biệt là nữ y bác sĩ đã hy sinh mái tóc dài của mình, tránh gây vướng víu, bất tiện khi làm việc vì đồ bảo hộ rất khó mặc, cởi và mỗi lần thay ra không thể mặc lại.

Trước đó, hôm 28/7, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh bác sĩ và các bệnh nhân đang cách ly tại Bệnh viện C (Đà Nẵng) cùng nhau cất tiếng hát.

Trong clip, bác sĩ Đương - công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện C - mặc đồ bảo hộ, đứng giữa phòng bệnh và khẳng định với các bệnh nhân: “Trận chiến với Covid-19 lần 2 này chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng”.

Cùng những lời động viên tinh thần người bệnh, bác sĩ Đương đọc thơ và cùng bắt nhịp bài hát ngay trong phòng bệnh.

Không màu mè, không có gì to tát, lớn lao, những hình ảnh, hành động tích cực như thế đang tạo nên niềm tin và hy vọng cho mọi người trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn chống dịch với nhiều khó khăn, thử thách mới.

Cậu bé gốc Việt tặng 12.000 khẩu trang cho người vô gia cư Mỹ

Liem Kaplan (13 tuổi) đã tặng hơn 12.000 khẩu trang, 6.000 bánh mì, 2.500 chai nước rửa tay cho người vô gia cư tại Washington.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm