Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Black Friday, ai cũng đổ xô mua sắm, chẳng lẽ mình lại không?'

Dịp giảm giá Black Friday hay Cyber Monday, nhiều người đặt mua hàng không phải do nhu cầu sử dụng mà đơn giản để check-in rằng mình không đứng ngoài trào lưu.

Dù 29/11 mới là Black Friday, từ giữa tháng 11, “hội chị em” trong văn phòng Phương Anh (25 tuổi, Hà Nội) đã bắt đầu râm ran các câu chuyện về chủ đề mua hàng trong ngày này, từ việc theo dõi kế hoạch giảm giá của các nhãn hàng, “tia” sẵn món đồ yêu thích hay lập hẳn danh sách đồ sẽ mua cho đỡ quên.

Là một tín đồ mua sắm, Phương Anh chẳng thể đứng ngoài chủ đề hấp dẫn này dù biết kết quả sẽ lại như năm ngoái: “cháy túi” và phải thanh lý lại đống đồ mua không dùng tới.

“Cứ sau mỗi đợt Black Friday mình lại thấy hối hận vì đã chi tiêu quá trớn nhưng rồi đâu lại vào đấy. Nhiều khi trong những dịp sale lớn, thấy mọi người đua nhau mua mà bản thân không sắm gì cũng thấy ‘kỳ kỳ’”, Phương Anh nói.

Tâm lý “ai cũng mua, chẳng lẽ mình không mua” cũng là suy nghĩ chung của nhiều bạn trẻ dịp giảm giá cuối năm.

Dù không có nhu cầu mua sắm, nhiều người vẫn lao vào các cuộc “săn sale” để rồi khi nhìn chiếc ví trống rỗng, thậm chí nợ nần vì mua đồ lại ước mình chưa từng nhấn vào chữ “mua hàng” trên màn hình.

Black Friday anh 1
Black Friday là dịp nhiều nhãn hàng tung ra các chương trình giảm giá thu hút khách hàng. Ảnh: AP.

Mua đã, tính sau

Từ khi bị nhóm bạn rủ rê tham gia các hội nhóm mua sắm, săn khuyến mãi trên mạng xã hội, Thanh Huyền (24 tuổi, Lạng Sơn) dần trở thành “con nghiện mua sắm” với tình trạng hầu như mỗi ngày đi làm đều có đơn hàng được giao.

Các đợt sale lớn, sale nhỏ, cứ trên bảng tin hiện món đồ yêu thích và thấy nhiều người mua là Huyền lại bứt rứt, không kìm lòng mà đặt hàng dù đã có chiếc tương tự ở nhà.

Bởi vậy, dù có mức lương nhân viên văn phòng khoảng 12 triệu đồng/tháng, cô gái 24 tuổi vẫn thường lâm vào cảnh nợ nần vì chi tiêu không kiểm soát.

Black Friday năm nay, với hàng loạt chương trình khuyến mãi rầm rộ được quảng cáo từ cách đó cả tháng, đối với một tín đồ mua sắm như Huyền giống như một chiếc bẫy ngọt ngào chết người.

Black Friday anh 2
Lao vào mua các món hàng được giảm giá dù không thực sự cần dùng đến là tình trạng chung của nhiều người dịp Black Friday. Ảnh: Terapiasycylia.

“Thực ra mình biết nhiều món đồ khi mua về sẽ không dùng tới hoặc hiếm khi động đến, nhưng giống như áp lực ngang hàng vậy, thấy mọi người mua rồi check-in ầm ầm trên mạng, nhất là đôi khi bạn bè rủ mua chung nên cũng bị cuốn theo”, Huyền chia sẻ.

Dù ngày Black Friday chính thức chưa tới, nhưng với chương trình sale sớm ở một số cửa hàng, Huyền đã kịp đặt hàng một set son vì “thấy màu nào cũng đẹp”, vài chiếc váy, thêm 2 đôi giày và một túi xách.

“Chắc qua tháng sau lại phải gặm mì tôm qua ngày thôi”, 9X dự đoán.

Theo Rattle, nhà sáng lập Behavioralcents.com - trang web cung cấp lời khuyên tài chính - người tiêu dùng trong các dịp khuyến mãi, đặc biệt là phụ nữ, không chỉ bị kích thích bởi quảng cáo từ các nhãn hàng mà còn do FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) khi quyết định “vung tiền” mua sắm.

“Những cụm từ như ‘giá tốt nhất từng có’, ‘dịp không thể bỏ lỡ’ đánh vào tâm lý nhiều khách hàng dịp này. Ngoài ra, việc có thể khoe trong các cuộc nói chuyện hay trên mạng rằng mình mua được một món hàng với giá rẻ hơn nhiều so với niêm yết cũng đem lại cảm giác thành tựu”, bà Rattle nhận định.

Mua khi thực sự cần

Nhận thấy việc ngày càng nhiều khách hàng lao vào các cuộc mua sắm dịp giảm giá cuối năm mà không có kế hoạch hoặc sau đó không sử dụng đến các món đồ đã mua, gây lãng phí, nhiều nhãn hàng thực hiện chiến dịch “tẩy chay” mùa Black Friday 2019.

“Chủ nghĩa siêu tiêu dùng (tiêu dùng quá khích) ảnh hưởng tiêu cực đến Trái Đất và việc giảm giá chớp nhoáng có thể khiến khách hàng đưa ra quyết định mua hàng vội vã do lo ngại về việc hết hàng.

Chúng tôi không còn cảm thấy Black Friday là một sự kiện thân thiện với người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi quyết định đóng cửa trang web và cửa hàng vào ngày 29/11”, Deciem, công ty mẹ của hãng mỹ phẩm đình đám The Ordinary đăng trên Instagram ngày 1/11.

Không chỉ Deciem, Black Friday năm nay, nhiều nhãn hàng cũng quyết định “đứng ngoài cuộc chơi” khi quyết định đóng cửa hay thậm chí cho nhân viên nghỉ phép có lương vào ngày này.

Black Friday anh 3
Deciem tuyên bố đóng cửa trang web và các cửa hàng vào ngày Black Friday.

“Mấy năm gần đây, việc mua sắm vào các dịp sale lớn như Black Friday giống như trào lưu vậy. Mọi người thấy sản phẩm được gắn mác giảm sâu, dù chưa chắc cần nhưng cứ chi tiền vô tội vạ mua ‘phòng hờ’, sợ sau lại tăng giá, rồi hào hứng khoe trên mạng xã hội giống như check-in rằng mình không đứng ngoài xu hướng vậy”, Thùy Linh (23 tuổi) chia sẻ với Zing.vn.

Đối với Linh, việc canh mua được hàng giảm giá không có gì xấu, thậm chí là một cách giúp tiết kiệm chi phí đáng kể khi mua cùng một món hàng.

Tuy nhiên theo cô, mọi người nên cân nhắc liệu mình có thực sự cần tới chúng không, hay chỉ đơn giản mua vì được giảm giá.

“Trước khi mua một món hàng, mình luôn tự hỏi bản thân 3 câu: Nó có vừa với mình không?; Mình có thứ tương tự chưa?; Mình sẽ dùng nó để làm gì trong thời gian tới, có dùng thường xuyên không?”. Nếu vượt qua 3 câu hỏi này, mình nghĩ đó sẽ là món đồ thực sự cần mua chứ không phải sở thích nhất thời”, Linh nói.

Sự thật 'đen tối' về Black Friday có thể bạn chưa biết Trước khi mang ý nghĩa là ngày mua sắm siêu rẻ, khái niệm “Black Friday” lần đầu xuất hiện năm 1869, khi 2 nhà đầu tư Mỹ tăng giá vàng làm khủng hoảng thị trường chứng khoán.

Sulli, Goo Hara tự tử, dân mạng Hàn Quốc cần tự vấn lương tâm

Sau cái chết của hai nữ ca sĩ, nhiều người hâm mộ tại Hàn Quốc kêu gọi có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi quấy rối, bắt nạt trên mạng.




Mai An

Bạn có thể quan tâm