Ra mắt năm 1982, “Blade Runner” được đánh giá cao không chỉ vì phần kỹ xảo ấn tượng mà còn vì những câu hỏi táo bạo mà nó đặt ra. Sự tồn tại của con người liệu có phải là đẳng cấp, tối ưu nhất trên Trái Đất? Sẽ ra sao nếu có một giống loài khác, thậm chí “người hơn cả người” xuất hiện?
35 năm sau, trọng trách trả lời câu hỏi mang tính thời đại này cùng với việc tiếp nối đề tài về quan hệ giữa người sinh học - người nhân bản được đặt lên vai đạo diễn Denis Villeneuve. Là một trong những gương mặt mới tài năng với 2 phim điện ảnh ấn tượng trước đó là “Sicario” (2015) và “Arrival “(2016), Villeneuve gần như được đo ni đóng giày cho “Blade Runner 2049”.
Bối cảnh của phim là 30 năm sau phần một. |
Từ người nhân bản đầy cảm xúc…
Lấy bối cảnh 30 năm sau phần phim đầu tiên, mâu thuẫn giữa con người và người nhân bản đạt tới mức đỉnh điểm. Loài người một mặt sợ hãi, khinh ghét sự hoàn hảo về cả trí lực và thể lực của người nhân bản. Mặt khác vẫn phải sản xuất và sử dụng họ cho những công việc khó khăn mà không ai dám làm ngoài vũ trụ.
Có thể thấy sự kỳ thị này ở những hành động phỉ báng, chửi rủa mà họ dành cho chàng cảnh sát nhân bản K (Ryan Gosling) ở đầu phim. Con người nghĩ rằng người nhân bản không có nhân tính, là những kẻ khát máu, nổi loạn và đáng sợ. Tuy nhiên, trái với định kiến của họ, cộng đồng nhân bản lại rất gắn bó và có đầy đủ cảm xúc như người bình thường.
Giống như Deckard (Harrison Ford) của phần một, K cũng là một Blade Runner. Nhiệm vụ chính của anh là “cho nghỉ hưu” những người nhân bản thuộc thế hệ Nexus 8 với tuổi thọ dài như con người.
Khi tiêu diệt những phiên bản Nexus 8 cuối cùng, anh phát hiện ra một bí mật động trời: đã từng có một đứa trẻ lai giữa người thật và nnhân bản được sinh ra. Đứa trẻ đó là cây cầu nối giữa 2 loài và cũng trở thành niềm hy vọng cho người nhân bản rằng họ có thể có linh hồn, có thể tạo ra những sinh linh mới.
Khung cảnh đặc trưng của các tác phẩm viễn tưởng. |
Với độ dài lên tới gần 3 giờ và hình ảnh, âm nhạc được trau chuốt tỉ mỉ, nhiều người nhận định phim cũng có tiềm năng trở thành kinh điển như phần đầu tiên.
Những khối nhà hùng vỹ nhưng tăm tối, đường phố bẩn thỉu xen lẫn những hình ảnh quảng cáo 3D khổng lồ gợi nhớ đến “Blade Runner 1982” và cũng là điển hình cho phong cách cyberpunk ảnh hưởng lên nhiều tác phẩm viễn tưởng sau này. Bản 2017 cũng mở rộng và hiện đại hóa thế giới này lên nhiều lần, dù vẫn giữ được âm hưởng và màu sắc đặc trưng đã làm nên thương hiệu “Blade Runner”.
Duy trì cốt lõi tư tưởng là cuộc đối đầu người thật - nhân bản, nhưng phần 2 sở hữu nội dung hấp dẫn hơn, dễ tiếp cận với khán giả hiện đại. Phim được xây dựng như một tác phẩm trinh thám ly kỳ với nhiều nút thắt bất ngờ.
… đến một chuyện tình lạ lùng
Điểm nhấn đặc biệt của “Blade Runner 2049” là chuyện tình lạ lùng giữa K - một người nhân bản với Joi - trí thông minh nhân tạo không có hình hài cụ thể. Bên cạnh đó là tình yêu vượt thời gian, khoảng cách giống loài giữa Deckard - người thật với Rachael - nhân bản.
Tình yêu từng chỉ là yếu tố phụ và được khắc họa khá ngắn ngủi trong bản 1982, nhưng ở phần này lại trở thành yếu tố then chốt. Tình yêu lúc này cũng là điểm kết nối giữa người thật và nhân bản, mầm mống nảy sinh ra đứa trẻ lai giữa 2 giống người.
Nhưng mối tình đó lại một lần nữa làm dấy lên câu hỏi: người nhân bản có linh hồn hay không? K từng tự ti cho rằng người nhân bản không có linh hồn vì không được cha mẹ sinh ra, mà chỉ là một sản phẩm được tạo nên bởi con người. Thế nhưng, nếu linh hồn của con người (một khái niệm mang tính tâm linh) được nhào nặn bởi một đấng sáng thế nào đó, thì liệu khi tạo ra các nhân bản với đặc tính gần như y hệt loài người, chúng ta có đang làm thay việc của đấng sáng thế đó?
Các người nhân bản cho rằng họ “người hơn cả người”, cũng có cùng kết cấu sinh học, có tình cảm và thậm chí có thể sinh đẻ, vậy tại sao họ vẫn không thể có linh hồn? Khi ranh giới giữa người và nhân bản ngày càng mờ nhạt, câu hỏi về sự tồn tại độc nhất của loài người lại trở nên bức bối hơn.
Phim dẫn dắt đến nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. |
Trong thế giới thực, các trí thông minh nhân tạo cũng ngày càng phức tạp, siêu việt và gần gũi với con người hơn nên có thể tương lai không xa sẽ tồn tại những cá thể không phải người nhưng lại y hệt con người từ trong ra ngoài. Nếu ngày ấy xảy ra, chúng ta phải đối xử ra sao với họ? Coi họ là một giống loài cùng đẳng cấp hay kỳ thị họ như những nô lệ, sử dụng như công cụ? Rất có thể, các phần phim tiếp theo của “Blade Runner” (nếu có) sẽ tiếp tục tìm lời giải đáp cho nan đề này.
Sau thành công của “La La Land” hồi cuối năm ngoái, tài tử Ryan Gosling lại có vai diễn để lại ấn tượng. Màn kết đôi giữa anh và Ana de Armas (vai Joi) được đánh giá là nhiều cảm xúc và cũng làm nên một thiên tình sử vô tiền khoáng hậu như đôi Deckard - Rachael năm nào. Tuyến nhân vật phụ còn lại được phân bổ hợp lý với nét cá tính riêng.
“Blade Runner 2049” đưa người xem vào câu chuyện phá án đầy thu hút và bí ẩn của đặc vụ K. Tác phẩm có thể được xem là một đại diện tiêu biểu của dòng phim khoa học viễn tưởng năm nay. Phim khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 20/10.