Một blogger Trung Quốc phải yêu cầu sự giúp đỡ của cảnh sát sau khi bị cộng đồng mạng tấn công, theo South China Morning Post.
Trước đó, Huang Zhijie, chủ nhân của blog có tên You You Lu Ming, đăng bài phản đối phong tục người trẻ quỳ lạy để chào người lớn tuổi vào dịp Tết Nguyên đán.
Truyền thống cúi người, dập đầu chào người cao tuổi chỉ còn được duy trì ở một số vùng nông thôn Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone. |
Truyền thống này được gọi là "gõ đầu", theo đó con cháu trong nhà sẽ thể hiện sự tôn kính với bậc lớn tuổi bằng cách quỳ gối, cúi đầu xuống thấp sao cho trán chạm đất.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, các thành viên trẻ tuổi sẽ tiến hành lạy các già làng vào buổi sáng. Mỗi gia đình cũng thực hiện nghi lễ này nhiều lần, trước tiên là cúi đầu trước tổ tiên, sau đó là trước nam giới trưởng thành rồi nữ giới trong nhà.
Tập tục này vốn đã biến mất tại hầu hết vùng miền ở Trung Quốc và chỉ còn được duy trì ở một số vùng nông thôn ở tỉnh Sơn Đông - nơi người dân vẫn coi đó là nghi lễ dịp Tết không thể thiếu.
Tuần trước, Huang đưa ra bình luận sau khi các video về nghi lễ này bắt đầu được chia sẻ nhiều trên mạng vào dịp Tết.
"Làm điều đó một cách riêng tư với cha mẹ là lựa chọn cá nhân, nhưng bắt mọi người quỳ lạy theo nhóm ở nơi công cộng là sự áp bức xã hội vô hình", Huang viết. Theo nam blogger, phong tục này đã trở nên lạc hậu, không nên tiếp tục duy trì.
Blogger Huang Zhijie phải cầu cứu sự trợ giúp của cảnh sát địa phương sau khi nhận được nhiều lời đe dọa tính mạng. Ảnh: Handout. |
Sau khi công khai bày tỏ quan điểm, Huang cho hay anh và gia đình nhận được nhiều cuộc điện thoại đe dọa tính mạng.
"Tôi không nghĩ phản ứng của nhiều người lại dữ dội vậy. Tôi chỉ nói những gì mình nghĩ, nhưng họ lại muốn tính sổ tôi", Huang cho hay.
Về phía những người ủng hộ phong tục năm mới này, hành động cúi người sát đất để chào hỏi thể hiện tình yêu và sự kính trọng với bậc bề trên, không phải là hành vi phân chia hệ thống cấp bậc như nam blogger miêu tả.
"Năm mới mà không có các truyền thống lâu đời chả phải sẽ rất nhàm chán sao? Chúng khiến lễ mừng Tết Nguyên đán trở nên sôi động hơn", một người dùng Weibo viết.
Yu Hai, giáo sư Xã hội học tại Đại học Fudan, cho biết cuộc tranh cãi trực tuyến không phải về vấn đề ai đúng ai sai, mà "đáng lo ngại" ở chỗ dư luận không cho phép có những quan điểm khác nhau xuất hiện.
"Chúng tôi không đánh giá truyền thống đó giá trị hay lạc hậu. Với người nông dân, hành động đó giúp dân làng hòa thuận, tăng tình đoàn kết, tương tác giữa cộng đồng. Nhưng với nhiều cư dân thành phố, việc phải cúi người, đặt trán sát đất để chào một ai đó mang tính ép buộc nhiều hơn", giáo sư Yu phân tích.
"Hành động đó dễ bị quy thành biểu tượng cho sự phân chia cấp bậc và quyền lực, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản về bình đẳng trong xã hội hiện tại. Vì vậy, những người không thích cũng có lý do chính đáng để phản đối", ông nói thêm.