Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Bloodshot’ của Vin Diesel - kỹ xảo đẹp mắt, nội dung nhạt nhòa

Sở hữu phần kỹ xảo hình ảnh đáng khen so với mức kinh phí hạn chế, nhưng sự yếu kém ở nhiều mặt khác khiến màn chạm ngõ điện ảnh của hãng truyện tranh Valiant còn nhạt nhòa.

Trailer bộ phim 'Bloodshot' Tác phẩm siêu anh hùng dựa trên truyện tranh của Valiant với tài tử Vin Diesel đóng chính.

Thể loại: Giả tưởng, hành động

Đạo diễn: David S. F. Wilson

Diễn viên: Vin Diesel, Eiza Gonzalez, Guy Pearce

Zing.vn đánh giá: 5/10

Valiant là một hãng truyện tranh lớn tại Mỹ, được thành lập từ năm 1989. Sở hữu nhiều đầu truyện ăn khách cùng hàng loạt nhân vật nổi tiếng như Bloodshot, Rai, Ninjak, Harbinger…, nhưng các tác phẩm của Valiant chưa có cơ hội bước lên màn ảnh giống như đối thủ Marvel hay DC.

Bloodshot là nhân vật đầu tiên của Valiant có phim riêng. Với sự tham gia của tài tử Vin Diesel trong vai chính, bộ phim được kỳ vọng sẽ mở màn cho Vũ trụ Điện ảnh Valiant của hãng Sony Pictures, cạnh tranh trực tiếp với MCU của Disney hay DCEU của Warner Bros.

Nhân vật chính của Bloodshot là Ray Garrison (Vin Diesel) - một lính thủy đánh bộ dày dặn kinh nghiệm. Sau khi chứng kiến vị hôn thê Gina (Talulah Riley) bị sát hại, rồi chính mình cũng bị hạ thủ bởi một kẻ thủ ác bí ẩn (Toby Kebbell), Ray bất ngờ tỉnh lại và nhận ra bản thân vẫn còn sống sót một cách thần kỳ.

Giáo sư Emil Harting (Guy Pearce) sau đó xuất hiện, tiết lộ với Ray rằng anh đã hồi sinh nhờ được cấp ghép vô số robot siêu nhỏ được gọi là Nanite vào bên trong cơ thể. Hơn thế, các Nanite còn giúp Ray sở hữu sức mạnh thể chất vượt trội hơn người thường, cùng khả năng hồi phục bất cứ thương tổn nào một cách tức thời.

Sau khi trở về từ cõi chết và trở thành siêu chiến binh bất bại, Ray bèn truy tìm kẻ đã sát hại hôn thê để báo thù. Từ đó, anh bắt đầu khám phá những âm mưu hắc ám phía sau công nghệ tối tân đang chảy trong dòng máu của mình.

Mô-típ quen thuộc, dễ xem và thuần giải trí

Bloodshot sở hữu câu chuyện đơn giản, dễ đoán. Kịch bản phim mỏng đến mức sơ sài, rập khuôn đến mức lười biếng, với dòng thời gian tuyến tính từ đầu đến cuối, cùng hệ thống nhân vật hạn chế.

Bộ phim cố gắng xây dựng một nút thắt nhỏ giữa phim. Tuy nhiên, nút thắt này không hề gây bất ngờ. Thậm chí, bộ phim còn chủ động miêu tả chi tiết cho khán giả mà không cần thông qua sự tìm hiểu, khám phá của nhân vật. Có thể thấy đội ngũ biên kịch của Bloodshot cố tình tối giản hóa công việc của họ với định hướng đây là một tác phẩm thuần giải trí, dễ xem, dễ hiểu nhất có thể.

review phim Bloodshot anh 1

Cốt truyện của Bloodshot thực sự đơn giản, rập khuôn.

Quyết định này có lẽ một phần do mô-típ của Bloodshot vốn không hề mới mẻ trong văn hóa đại chúng. Trong điện ảnh, hình tượng nhân vật Ray Garrison có nhiều nét tương đồng các nhân vật chính ở Robocop hay tác phẩm độc lập Upgrade ra mắt năm 2018 của hãng Blumhouse.

Trong truyện tranh, các siêu anh hùng với khả năng phục hồi tức thì đến mức gần như bất tử kiểu Bloodshot không hề thiếu, mà nổi bật nhất có thể kể đến Wolverine của loạt X-Men lừng danh. Do đó, với đội ngũ biên kịch, việc cố gắng sáng tạo để ghi dấu ấn riêng dường như là không cần thiết. Họ chỉ muốn mang tới một câu chuyện ngắn gọn nhất có thể, nhằm giới thiệu nhân vật tới số đông là đủ.

Kỹ xảo đẹp mắt trong tổng thể chất lượng kỹ thuật tầm trung

Điểm nhấn đáng kể nhất của Bloodshot là phần hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh được thực hiện khá chất lượng. Hầu hết phần hiệu ứng đặc biệt trong phim được sử dụng để thể hiện khả năng phục hồi kinh người của Ray nhờ các Nanite trong cơ thể, cùng những pha hành động cháy nổ giữa nhân vật với các cá nhân sở hữu siêu năng lực khác.

Những trường đoạn phô diễn hiệu ứng kỹ xảo trong phim không nhiều, có thời lượng thường ngắn, nhưng về cơ bản được thực hiện chỉn chu, đẹp mắt. Một số trường đoạn có hiệu ứng còn thiếu chân thực như cuộc truy sát ở London, Anh. Nhưng so với mức kinh phí thực hiện chỉ khoảng 45 triệu USD, khán giả cũng không nên phàn nàn quá nhiều.

review phim Bloodshot anh 2

Điểm mạnh lớn nhất của bộ phim nằm ở phần kỹ xảo.

Vấn đề kỹ thuật của bộ phim nằm ở phần quay phim và dựng phim. Bloodshot lạm dụng các góc máy cận và trung cận ở hầu hết khung hình một cách lộn xộn, ít khi sử dụng góc máy trung cảnh và toàn cảnh. Điều này khiến không gian bên trong khung hình bị hẹp, gây ra cảm giác tù túng.

Đặc biệt, trong các cảnh quay hành động, bộ phim bố trí góc máy camera bất hợp lý như góc máy cận và chếch sau lưng nhân vật, đồng thời lạm dụng góc máy rung lắc (shaky-cam), khiến cho các màn giao chiến không rõ ràng và thiếu liền mạch, lộ rõ thủ thuật nhằm che giấu khả năng chỉ đạo hành động còn yếu.

Phần dựng phim bất thường góp phần làm lộ thêm những điểm yếu của quay phim. Nhiều trường đoạn được cắt dựng vội vàng khiến mạch phim rời rạc. Ngược lại, có không ít phân cảnh lại lạm dụng thái quá hiệu ứng quay chậm (slow-motion) một cách thừa thãi, khiến tiết tấu phim trở lên lê thê không cần thiết.

Những vấn đề nêu trên khiến phần hành động trong Bloodshot chưa tạo được hiệu quả như kỳ vọng, dù vẫn có vài phân đoạn tương đối ấn tượng và chất lượng. Dù vậy, đối với khán giả phổ thông, bộ phim vẫn đảm bảo được tính giải trí cần thiết với yếu tố hành động vừa đủ tầm trung.

Tiềm năng bị phá hủy bởi kịch bản sơ sài và nhân vật nhạt nhòa

Công bằng mà nói, dù mô-típ của Bloodshot có tương đồng với Robocop, hay Ray Garrison có giống Wolverine đi chăng nữa, bản thân bộ phim vẫn chứa đựng nhiều tiềm năng để tạo nên điểm nhấn riêng.

Robocop hấp dẫn nhờ phần kịch bản đậm tính châm biếm, đề cập đến nhiều vấn đề chính trị, xã hội đương thời. Wolverine được yêu mến nhờ cá tính độc đáo, cùng hoàn cảnh quá khứ mơ hồ, đầy bi kịch. Những điều đó không phải là không tồn tại trong nguyên tác Bloodshot, và phiên bản điện ảnh chuyển thể hoàn toàn có thể dựa trên đó để xây dựng nên một kịch bản ấn tượng, sâu sắc.

review phim Bloodshot anh 3

Ray Garrison lẽ ra cần phải được phát triển tốt hơn.

Đáng tiếc thay, tiềm năng to lớn trên bị phá hủy hoàn toàn bởi phần kịch bản sơ sài. Có vẻ như việc xây dựng một câu chuyện có chiều sâu dành cho người đàn ông sở hữu sức mạnh bá đạo như Ray Garrison là quá sức đối với đội ngũ biên kịch, nên kịch bản quyết định bỏ qua luôn khâu xây dựng nhân vật.

Từ đầu đến cuối, nhân vật chính gần như không có chút phát triển gì về bản thân, từ hoàn cảnh đến tâm lý và tư duy. Anh chỉ có một nhiệm vụ là tỏ ra cau có, rồi hung hăng lao vào những cuộc chiến một cách cục súc. Khán giả thậm chí không thấy được Ray là người lính dày dặn kinh nghiệm như lời giới thiệu ra sao, mà nhân vật chỉ tỏ ra như gã du côn tự nhiên có sức mạnh, rồi lao vào đánh giết không suy nghĩ.

Nhân vật chính là vậy, các nhân vật phụ cũng chẳng khá hơn. Nhóm nhân vật cựu chiến binh được nâng cấp cơ thể giống như Ray tại trung tâm nghiên cứu công nghệ cao của tiến sĩ Emil chỉ có cá tính mờ nhạt, dù đất diễn của họ không hề ít và đóng vai trò tương đối quan trọng trong tác phẩm.

Không thể xây dựng nhân vật, Bloodshot cũng không biết xây dựng bối cảnh thế giới và các yếu tố công nghệ cao giả tưởng trong phim ra sao cho thuyết phục. Bộ phim nói đến hàng loạt năng lực cao siêu của Nanite trong cơ thể Ray, giúp anh làm được vô số điều không tưởng, nhưng lại không dẫn dắt nhân vật phát huy những năng lực trên một cách hợp lý.

Cuối cùng, những khó khăn mà nhân vật chính vấp phải chủ yếu được giải quyết bằng một công cụ “từ trên trời rơi xuống” quen thuộc đến mức nhàm chán: khả năng hack siêu đẳng vào bất cứ hệ thống máy móc tối tân nào. Mọi thứ chỉ cần hack và hack - vậy là xong, không còn thử thách hay khó khăn gì cụ thể nữa.

review phim Bloodshot anh 4

Vin Diesel và các đồng nghiệp không đem tới nhiều ấn tượng về mặt diễn xuất.

Góp phần vào thất bại của bộ phim là màn trình diễn nhạt nhòa của dàn diễn viên. Vin Diesel đem đến cho khán giả một Dominic Toretto khác đầy nhàm chán, cùng nét diễn một màu đến mệt mỏi từ đầu chí cuối. Anh vẫn phù hợp với kiểu nhân vật cục súc, bá đạo, nhưng bảo anh phải diễn xuất nội tâm hay thể hiện cảm xúc đa sắc thái thì đúng là quá sức.

Các gương mặt khác như KT của cô đào Eiza González, hay Guy Pearce trong vai vị tiến sĩ tham vọng Emil, cũng chẳng có gì đáng kể, một phần do bản thân nhân vật được xây dựng quá mờ nhạt.

Nhìn chung, Bloodshot là màn chào sân điện ảnh chưa trọn vẹn của hãng truyện tranh Valiant. Đậm tính giải trí với phần đông khán giả, nhưng bộ phim còn tồn tại nhiều điểm yếu để có thể trở thành một tác phẩm đáng nhớ. Sony Pictures cần làm nhiều hơn nếu muốn xây dựng một vũ trụ điện ảnh cho riêng mình nhằm cạnh tranh với MCU và DCEU.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Những đầu truyện tranh lạ đang được âm thầm biến thành phim

“Bloodshot”, “New Gods”, “Spawn” hay “Usagi Yojimbo” là những dự án điện ảnh dựa trên truyện tranh cần nhiều thời gian mới có thể hoàn thành bởi nội dung lạ lùng của chúng.

Khánh Hưng

Ảnh: Sony

Bạn có thể quan tâm