BMW bị chỉ trích vì không tặng xe ôtô cho Tareasa Johnson. Ảnh: iStock. |
Tareasa Johnson, hay Reesa Teesa trên TikTok, trở nên nổi tiếng hồi tháng 2 khi cô chia sẻ về người chồng nói dối trong loạt video dài "Who TF Did I Marry".
Johnson cho biết chồng cũ đã hứa mua cho cô nhà mới, ôtô mới và đưa cô đi du lịch châu Âu, nhưng chưa bao giờ thực hiện bất kỳ điều gì.
Các clip lan truyền của cô nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều thương hiệu bao gồm BMW. Hãng xe này đã đăng clip tuyên bố rằng "đang tìm một chiếc BMW X5 màu xanh đậm với nội thất cognac" - mẫu xe mà chồng cũ từng hứa mua cho Johnson.
Khi những người ngưỡng mộ Johnson bình luận trên video của BMW: "Hãy đem đến cho cô ấy một chút niềm vui", tài khoản TikTok của BMW đã trả lời: "Kế hoạch là như vậy".
Bài đăng của BMW dành cho Johnson nhận về phản hồi tích cực trên các phương tiện truyền thông. Nhiều người dùng TikTok gọi đây là một chiến lược marketing thông minh.
Tuy nhiên, không lâu sau đó BMW đã xóa video của mình. Cuối tháng trước, Johnson đăng một clip nói rằng cô chưa nhận được một chiếc ôtô nào từ BMW.
Điều này khiến người dùng mạng xã hội thắc mắc cùng bức xúc. Dưới các video TikTok gần đây của BMW, có rất nhiều người hỏi công ty về vụ việc này. Nhưng nhà sản xuất ôtô từ chối bình luận.
Tim Calkins, giáo sư marketing tại Trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwestern, cho biết bài đăng đã bị xóa của BMW về việc tìm cho Johnson một chiếc X5 nêu bật bản chất phức tạp của mạng xã hội đối với các nhà điều hành thương hiệu.
Calkins cho biết ông nghi ngờ một nhân viên nào đó đã đưa ra lời đề nghị trên mạng xã hội, sau đó công ty nhận ra rằng lời đề nghị đó phức tạp hơn dự đoán ban đầu.
"Nó nhấn mạnh các công ty cần phải có quy trình để tìm ra những gì họ có thể làm và tốc độ họ có thể làm điều đó. Nếu công ty không thực hiện được lời hứa, các nhà tiếp thị có thể hy vọng người tiêu dùng sẽ không nhớ đến. Nhưng thực tế là mọi người sẽ đổ dồn sự chú ý vào đó".
Còn Courtney Bagby Lupilin, Giám đốc điều hành và người sáng lập công ty quản lý nhân tài Little Red Management, cho biết các công ty muốn influencer marketing (tiếp thị thông qua người có ảnh hưởng) thường tiến hành kiểm tra lý lịch đối với bất kỳ ai mà họ đang cân nhắc hợp tác, cố gắng đánh giá xem những influencer đó có phù hợp với thương hiệu hay không. Cô nói rằng các nhóm thực hiện việc kiểm tra này có thể không phải là những người đăng bài trên kênh xã hội của thương hiệu.
Lupilin gợi ý rằng các thương hiệu không nên đưa ra lời cam kết nếu họ không chắc mình có thể thực hiện được hay không. "Vẫn có những cách nói công khai, nhưng không hứa hẹn quá mức".
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.