Sau khi “xử lý” được những gã sếp gàn dở trong phần I, bộ ba Nick (Jason Bateman), Dale (Charlie Day) và Kurt (Jason Sudeikis) quyết định tạo dựng công ty riêng với nhãn hàng mang tên Vòi nước thân thiện, đồng thời trở thành những ông chủ thực thụ. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, họ bị gã chủ tịch xảo quyệt Bert Hanson (Christoph Waltz) của một tập đoàn kinh doanh hàng đầu lừa bịp. Hậu quả là ba anh chàng bỗng nhiên phải ôm một khoản nợ lên tới 500.000 USD.
Bộ ba Nick, Dale, Kurt trở thành những ông chủ trong phần hai, nhưng lập tức vướng phải một vụ lừa đảo cao tay. |
Giải pháp mà “bộ ba siêu bựa” đưa ra để thoát khỏi viễn cảnh phá sản là… bắt cóc cậu con trai hư hỏng Rex (Chris Pine) của Hanson nhằm đòi tiền chuộc. Từ đó, nhiều tình huống dở khóc dở cười cứ thế ập tới với ba anh chàng hậu đậu. Ngoài ra, hai vị “sếp tồi” từ phần I của Jennifer Aniston và Kevin Spacey, cũng như gã “giang hồ rơm” của Jamie Foxx, cũng tái xuất trong câu chuyện mới với vai trò khách mời.
Nếu phải so sánh thì Horrible Bosses 2 khá giống hai bộ phim hài cũng ra mắt trong năm nay là 22 Jump Street và Dumb and Dumber To. Nếu 22 Jump Street châm biếm các bộ phim xoay quanh giới cảnh sát, thì Horrible Bosses 2 lại mỉa mai những tình huống diễn ra trong nhiều bộ phim lấy đề tài bắt cóc. Những chi tiết trên phim khi được áp dụng ra ngoài đời thực bỗng trở nên cực kỳ ngớ ngẩn và thừa thãi. Chẳng hạn như làm thế nào để tạo ra một lá thư tống tiền bằng những chữ cái cắt dán từ tạp chí vừa đẹp, vừa ngay ngắn; hay thời buổi này đâu còn nhiều buồng điện thoại công cộng để gọi tống tiền. Bên cạnh đó, Horrible Bosses 2 cũng tập trung nhiều vào các màn hài tục, qua cả lời thoại lẫn hành động đề cập đến chuyện tình dục. Tuy nhiên, phim không bị quá thô và gây ra cảm giác khó chịu như tác phẩm Dumb and Dumber To gần đây.
Horrible Bosses 2 có không ít pha hài tục, nhưng không gây ra cho khán giả cảm giác phản cảm. |
Vẫn vào vai những chàng thanh niên tốt bụng và ngờ nghệch như phần I, có thể nói Jason Bateman, Charlie Day cùng Jason Sudeikis đã thực hiện tốt vai diễn của họ. Tuy nhiên, ở nửa sau bộ phim, họ khiến ba nhân vật chính trở nên nhạt nhòa bởi những câu thoại dài dòng cùng nhiều biểu cảm thái quá. “Ánh đèn sân khấu” lúc này lại thuộc về Chris Pine, khi chàng diễn viên điển trai mắt xanh hóa thân thành một cậu ấm hư hỏng, có vẻ ngoài khờ khạo đỏm dáng, nhưng lại rất khó lường và dẫn dắt khán giả đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Chris Pine đem đến nhiều bất ngờ cho người xem, thậm chí còn trội hơn cả diễn viên từng giành Oscar là Christoph Waltz. |
Trái ngược lại, tuyến nhân vật khách mời tuy có thời lượng xuất hiện không nhiều, nhưng lại giúp phát triển thêm tâm lý cho tuyến nhân vật chính, phần nào tạo được cảm xúc hứng thú và giúp người xem cảm thấy họ không còn “đáng ghét” như phần I nữa. Nhân vật nữ nha sĩ lăng loàn Julia và gã sếp tâm thần David của Jennifer Aniston và Kevin Spacey thực sự “đáng đồng tiền bát gạo” cho mỗi phút giây họ xuất hiện trên màn ảnh.
Dù mang tính giải trí cao nhưng Horrible Bosses 2 còn khá nhiều sạn, nhất là khi cốt truyện bị nhồi nhét nhiều tình tiết dư thừa. Mạch truyện bắt đầu loãng dần và trở nên lê thê khi phim đi vào khoảng 1/4 cuối cùng. Lúc này, các nhân vật chính chỉ la hét, trách móc, cãi cọ lẫn nhau. Phim cũng có một cuộc rượt đuổi bằng xe hơi như phần I, nhưng lại bị kéo dài quá mức, cùng tình huống bất ngờ có phần hơi lố. Dẫu cho các tình tiết đan xen chồng chéo cứ thế liên tục được bày ra thì tuyến truyện chính cùng kế hoạch bắt cóc của ba chàng ngốc lại được thể hiện một cách hời hợt và sơ sài.
Nhìn chung, Horrible Bosses 2 không còn cuốn hút như tập phim đầu tiên. Điều này cũng được thể hiện qua thành tích phòng vé hiện tại của bộ phim tại thị trường Bắc Mỹ. Sau hai tuần trình chiếu, phim mới chỉ thu về gần 36 triệu USD, khó lòng san bằng thành tích 117 triệu USD của phần I.
Zing.vn đánh giá: 3/5
Horrible Bosses 2 (tựa Việt: Bộ ba siêu bựa) khởi chiếu trên toàn quốc từ 5/12. |