Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ biên chế giáo viên có vội vàng?

Những ngày gần đây, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên.

Đại biểu Dương Trung Quốc nói về xóa biên chế giáo viên Ông Dương Trung Quốc cho rằng việc xóa biên chế giáo viên sẽ có nhiều tác động tích cực nhưng không dễ thực hiện ở thời điểm này.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc bỏ biên chế thay thế bằng hợp đồng lao động sẽ tạo ra cơ chế mở. Việc “có ra, có vào” tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, là cơ sở để giáo viên luôn luôn nỗ lực, không chểnh mảng trong công việc.

Trên thực tế, hiện nay, một bộ phận giáo viên yếu kém về chuyên môn, trì trệ, không chịu khó học hỏi, đổi mới áp dụng các phương pháp dạy học mới, lại không thực sự tâm huyết với nghề. Họ lên lớp dạy cho có mà vẫn nhận đủ lương như những giáo viên giỏi và trách nhiệm khác.

Những giáo viên như vậy thường nghĩ đã vào được biên chế rồi thì yên tâm, chỉ cần làm việc cầm chừng, miễn là dạy đủ công, không ai đuổi ra khỏi ngành được.

Nay thí điểm bỏ biên chế bằng việc ký hợp đồng sẽ buộc giáo viên phải luôn nỗ lực, cố gắng thay đổi cách dạy học, khẳng định chất lượng học sinh. Họ không được phép chểnh mảng để được ký hợp đồng vào những năm tiếp theo.

Cô Hoàng Thị Tuyết, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết khi làm hợp đồng, hầu như giáo viên phải phấn đấu trong suốt quá trình để làm sao bảo đảm đúng theo hợp đồng. Những người biên chế gần như không có sự ràng buộc cụ thể, rằng vị trí người đó làm là gì, những công việc cần làm, kết quả phải đạt...

"Tôi nghĩ những thay đổi này có tính tích cực. Quan trọng là làm sao mọi người hiểu sự thay đổi này về cơ bản không có gì khác so với biên chế. Đối với giáo viên, mỗi giai đoạn, chặng đường phấn đấu rất rõ. Vì vậy, hợp đồng sẽ tốt hơn cho giáo viên, tránh tình trạng hiện nay người càng giỏi, năng động làm nhiều việc thì bị gọi là làm nhiều việc”, cô Tuyết nêu quan điểm.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít ý kiến băn khoăn về hiện tượng lạm quyền, lợi ích nhóm. Bởi nếu giao cho các trường tự chủ trong việc nhận và sa thải giáo viên theo hợp đồng, hiệu trưởng sẽ có quyền rất lớn. Liệu có dẫn tới tình trạng hiệu trưởng lạm quyền quyết định mọi vấn đề của trường mà không có giáo viên nào dám có ý kiến hay không.

bo bien che giao vien anh 1
Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Khi ký hợp đồng, giáo viên sẽ là người lao động còn hiệu trưởng là ông chủ. Rất nhiều tình huống có thể xảy ra với các thầy cô giáo mà không phải lúc nào cũng tích cực như lương không cố định, có thể bị sa thải nếu có ý kiến khác với hiệu trưởng...

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phân tích: “Chuyện xin vào hợp đồng, xin vào biên chế hiện nay, quyền lực của hiệu trưởng cũng đã rất lớn và cũng có nhiều cái rất tiêu cực. Bây giờ giao cho hiệu trưởng như vậy, quyền hành của họ rất lớn. Phải có một cơ chế kiềm chế và kiểm soát lại, phải có hội đồng nhà trường thật mạnh. Nó giống như hội đồng quản trị phải thông qua, chứ không phải một mình quyết định được”.

Hiện nay, một số nơi đã thuê hiệu trưởng. Do đó, nếu bỏ biên chế, hiệu trưởng cũng phải không trong biên chế như giáo viên và phải ký hợp lao động với một đơn vị chủ quản của trường đó.

Từ phân tích này, PGS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng việc bỏ biên chế giáo viên, Bộ GD&ĐT cần phải tính toán kỹ và đưa ra lộ trình cụ thể, không thể nói là bỏ ngay.

Nếu bỏ thì phải tính đến chính sách đãi ngộ đối với giáo viên ở những vùng khó khăn, miền núi biển đảo như thế nào? Cơ chế chính sách như thế nào để đảm bảo lương và cuộc sống của họ, nhất là trong điều kiện hiện nay lương giáo viên còn thấp? Nếu lương chưa tăng mà áp dụng việc xóa biên chế, liệu còn mấy ai yêu nghề, mấy ai chịu đến những nơi khó khăn để dạy.

PGS.TS Phạm Tất Dong nói: “Liệu những vùng khó khăn lương, phụ cấp có thể khác nhiều như thế nào trong hợp đồng được thỏa thuận? Chắc chắn làm hợp đồng thì ở miền núi khó mà giữ được giáo viên. Vấn đề đặt ra là có người thật giỏi nhưng đến tuổi nghỉ rồi còn ký hợp đồng với họ không. Vấn đề này, bộ trưởng GD&ĐT phải bàn với bên lao động, nội vụ và tài chính. Hiện, chưa có những quy định, những cơ chế, chính sách cụ thể mà thực hiện ngay, tôi sợ hơi vội”.

Bộ trưởng GD&ĐT: Thí điểm xóa bỏ viên chức ở trường có thương hiệu

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải về lâu dài, việc chuyển sang chế độ hợp đồng với giáo viên là điều cần thiết để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ.


http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-bien-che-giao-vien-lieu-co-voi-vang-629163.vov

Theo Thu Hiền / VOV

Bạn có thể quan tâm