Tại nhiều thành phố tại châu Âu, người dân, du khách đều bị cấm mặc bikini tại khu vực đường phố. Ảnh: Oiôba. |
Với người châu Âu, bikini dành riêng cho hồ bơi, bãi biển và sẽ thật khiếm nhã nếu một người diện trang phục này ra đường phố, thậm chí đối với cả kiểu mặc quần short kèm áo bơi. Vấn đề này sẽ càng nghiêm trọng tại một số thị trấn cổ.
Vài năm trước, ông Massimo Coppola, thị trưởng vùng Sorrento (Italy), đưa ra mức phạt 500 euro (tương đương 800 USD) nếu một người đi lại trên đường với trang phục hở hang, để lộ da thịt. Ông cho rằng cách ăn mặc "thiếu vải" sẽ thúc đẩy "hành vi khiếm nhã lan rộng" và gây ảnh hưởng đến danh tiếng của thành phố.
Ngày nay, nhiều thành phố như Sicily, Sorrento (Italy) và Barcelona (Tây Ban Nha) đều có quy tắc phạt tương tự. Thậm chí tại Croatia, những người tham gia lễ hội Sail Croatia đến Dubrovnik gần đây được cảnh báo phải ăn mặc đúng mực nếu không muốn bị phạt, theo Escape.
Chính quyền thành phố Palma (Tây Ban Nha) ra quy định phạt tới 500 bảng Anh đối với những du khách ra đường chỉ mặc đồ đi biển. Ảnh: Telegraph. |
Isabella Lakin, du khách vừa đi du lịch vòng quanh thế giới, lên TikTok cảnh báo rằng "đừng mặc áo bikini khi bạn rời khỏi bãi biển mà không có áo khoác ngoài. Họ sẽ bắt bạn. Họ không muốn khách du lịch mặc lộ da thịt như vậy".
Tuy nhiên, James Booth, biên tập viên của Escape, cho rằng việc ăn mặc hở hang chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi những phẫn nộ của người dân châu Âu dành cho khách du lịch.
James cho biết từng bị yêu cầu rời khỏi một siêu thị tại bãi biển Hossegor (Pháp) vì đi chân trần, nhưng sau gần 3 năm sống ở Tây Ban Nha, anh chưa bao giờ gặp vấn đề vì đi chân trần trên bãi biển.
Anh cũng chưa bao giờ thấy ai phàn nàn về việc khách du lịch mặc bikini trên phố hoặc thậm chí việc đi tiểu xuống biển.
Cho đến thời gian gần đây, khi tình trạng quá tải du lịch ngày càng khiến người dân địa phương giận dữ, chính quyền dường như muốn che lấp việc quản lý yếu kém và không còn cách nào tốt hơn bằng việc đổ lỗi, hướng sự chỉ trích vào du khách.
Trong đó, những du khách với trang phục hở hang chính là "giọt nước tràn ly" - cái cớ hoàn hảo để hứng chịu cơn phẫn nộ.
Ngoài ra, nói về việc trang phục phản cảm tại châu Âu, James cho rằng chính ánh mắt soi mói từ người địa phương là cách lên án tốt nhất cho hành vi ăn mặc không phù hợp. Khi sự phản đối được tạo thành quy định cấm, mọi người sẽ có xu hướng vi phạm nhiều hơn. Sự xấu hổ một cách tự nhiên sẽ không gây ra hành vi cố tình phản kháng.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.