Ngày 30/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng GD&ĐT cùng đại diện các cục, vụ chức năng của bộ đã trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề giáo dục, cụ thể là kỳ thi THPT quốc gia.
Trả lời Zing.vn ngày 31/7, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT - đại biểu tham dự buổi họp trên, cho hay kỳ thi THPT quốc gia dự kiến có một số thay đổi cơ bản trong những năm tới.
Một trong số đó là Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức chấm trắc nghiệm tập trung; phần mềm chấm thi có nhiều thay đổi; tỷ trọng điểm học bạ trong tính điểm xét tốt nghiệp sẽ thấp hơn…
Quét bài thi chuyển về Bộ GD&ĐT ngay sau khi thi
- Thưa TS Lê Trường Tùng, trong buổi họp nói trên, các ý kiến trao đổi, góp ý hướng đến mục đích chung như thế nào?
- Hiện tại, tất cả ý kiến góp ý trong buổi làm việc mới dừng lại ở bàn luận, chưa có quyết định chính thức qua các văn bản pháp lý, thông báo, hướng dẫn tới trường, sở. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ trao đổi, bày tỏ ý kiến cá nhân, không kết luận sau buổi họp.
Qua sự thống nhất của các đại biểu, tôi nghĩ xu hướng kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ có một số thay đổi.
TS Lê Trường Tùng phát biểu tại buổi trao đổi, góp ý. Ảnh: NVCC. |
Thứ nhất là thay đổi về phần mềm tuyển sinh. Phần mềm hiện tại thiếu chặt chẽ, khó kiểm soát nên có thể xảy ra tiêu cực về thi cử như ở Hà Giang và Sơn La.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nếu địa phương tổ chức thi, vẫn phải có sự phối hợp của các trường đại học như năm nay, nhưng phải kéo dài thời gian làm nhiệm vụ của giám thị coi thi.
Cụ thể, sau khi thi xong, giám thị của cả hai bên (địa phương và trường đại học) sẽ phải ở lại thêm cho đến khi tất cả dữ liệu bài thi được quét xong (thành ảnh), chuyển về Bộ GD&ĐT bằng đường truyền tốc độ cao. Còn lại, tất cả bài thi được niêm phong và đặt tại sở GD&ĐT.
Bộ phải quản lý kho dữ liệu bài thi đã được quét và là đơn vị đứng ra tổ chức chấm thi về phương diện quản lý. Bộ giao nhiệm vụ cho ai là một câu chuyện khác.
Nguyên tắc chấm là phải làm phách, kể cả phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm.
- Cụ thể, việc làm phách trên máy thay cho con người sẽ được giải quyết thế nào?
- Vấn đề làm phách điện tử không khó khăn khi máy tính sẽ chia hai phần, một nội dung bài thi, hai là thông tin thí sinh. Hai phần này sẽ có những mã hóa riêng sao cho thống nhất để ghép lại được sau khi chấm xong.
Bài thi khi được chuyển cho trung tâm chấm sẽ không biết của thí sinh nào, bởi đó chỉ là phần nội dung. Các bài thi chấm trực tiếp cũng chỉ giữ lại phần nội dung. Sau khi chấm xong, dữ liệu được gửi về Bộ GD&ĐT.
Các chuyên gia công nghệ thông tin có thể thực hiện việc này. Trung tâm Công nghệ Thông tin của Bộ GD&ĐT sẽ phát huy vai trò nhiều hơn khi hỗ trợ thi cử và xử lý dữ liệu điểm để phát hiện vấn đề.
Các đại biểu dự họp đều thấy việc thay đổi kỹ thuật và quy chế là cách làm nhanh nhất.
Nhiều chuyên gia giáo dục uy tín đã trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: NVCC. |
Tiến tới giảm “phao cứu sinh”
- Với kỳ thi “hai trong một”, đâu là điều khiến ông băn khoăn nhất khi kỳ thi còn tác động lâu dài vào việc dạy và học trong nhà trường?
- Theo thống kê của tôi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nếu chỉ dựa vào kết quả THPT, không được cộng học bạ, toàn quốc là 46,38%. Một số tỉnh miền núi rất thấp như Sơn La: 12,71%; Hà Giang 14,14%. Tỷ lệ này của năm 2017 cũng cho thấy các tỉnh này đạt tỷ lệ rất thấp.
Quy chế xét tốt nghiệp THPT bao gồm cả điểm học bạ và điểm thi nên mặc dù tỷ lệ điểm thi trên trung bình thấp, tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn cao (cả nước là 97,57%). Điều này cho thấy “phao cứu sinh” là điểm của học bạ chiếm rất lớn.
Điều này tạo nên bức tranh hiện thực rõ ràng nhất, phản ánh năng lực học sinh của địa phương. Từ đó, Nhà nước có chính sách nâng cao chất lượng học của các địa phương vùng sâu, xa như đầu tư cho giáo dục, vai trò của trường nội trú… Nếu chất lượng kém như vậy, chúng ta sao có được những cá nhân giỏi xây dựng địa phương trong tương lai?
Thời gian tới việc xét tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dựa vào tỷ trọng của học bạ giảm dần, tránh sốc cho dư luận, đồng thời nâng cao được vai trò, vị trí của kỳ thi.
Tỷ lệ thi tốt nghiệp nếu không cộng điểm học bạ theo thống kê của TS Lê Trường Tùng. Ảnh: Nguyễn Sương. |
- Hiện tại, quan điểm về vai trò, vị thế của kỳ thi “hai trong một” của lãnh đạo và các chuyên gia có đồng nhất không?
- Kỳ thi THPT quốc gia được cho có mục đích chính là xét tốt nghiệp, tuy nhiên người dân, phụ huynh, học sinh đều cho rằng đây là kỳ thi đại học. Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hơn 97% trên cả nước, không nhiều người còn quan tâm mục tiêu này nữa. Quan điểm về mục tiêu của kỳ thi còn đang “vướng mắc”, nếu không cẩn thận năm sau chúng ta vẫn có thể lặp lại.
Một kỳ thi đại học thì nguyên tắc chất lượng là các trường lo đầu vào. Nhưng khi giao cho địa phương chấm thi, nguyện vọng của họ là muốn con em đủ điểm để vào các trường tốt, vì thế sẽ có tác động để có lợi ích. Trong khi đó, quy chế thi khi đặt ra phải hạn chế được sự can thiệp của lợi ích. Chính sự không hợp lý này tạo ra những tiêu cực trong khâu chấm thi.
Ngoài ra, một số vấn đề được quan tâm trong buổi trao đổi như đề nghị mua ngân hàng đề thi của những đơn vị khảo thí nước ngoài có uy tín. Tuy nhiên, họ đã đầu tư nhiều chục năm với những khoản tiền rất lớn, họ không bán, không cho thuê và đặc biệt không cho Việt hoá và phải kiểm soát việc sử dụng để bảo đảm uy tín.
Bởi vậy, ngoài việc Bộ GD&ĐT phải tích cực xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm thì cần phát huy từ các đơn vị doanh nghiệp, tất cả thầy cô đóng góp ngân hàng đề thi có chất lượng.
Ngoài ra, vấn đề được quan tâm là xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi nhiều lần trong năm, cấp chứng chỉ đủ uy tín để các trường đại học, học viện tin tưởng chọn là một trong những điều kiện tiên quyết trong yêu cầu tuyển sinh của mình.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018 ngày 11/7, dư luận nghi vấn điểm thi ở Hà Giang có vấn đề. Tổ công tác của Bộ GD&ĐT phối hợp Ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang đã phát hiện hơn 300 bài thi trắc nghiệm bị nâng điểm. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam trưởng phòng và phó phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang.
Tại Sơn La, tổ công tác của Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Công an, chính quyền địa phương bước đầu phát hiện có dấu hiệu chỉnh sửa, thay đổi kết quả bài thi của nhiều thí sinh. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng chưa thể kết luận có bao nhiêu bài thi bị sửa điểm.
Tổ công tác tại Lạng Sơn không phát hiện sai phạm, 8 bài thi Ngữ văn bị giảm điểm.
Ngoài những địa phương trên, hàng loạt tỉnh, thành khác bị nghi ngờ có dấu hiệu bất thường về điểm thi. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo 63 tỉnh, thành rà soát. Bộ cũng triển khai chấm thẩm định ở Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre nhưng không phát hiện sai phạm.