Bộ Công an cho biết tội phạm công nghệ cao thường dùng 2 phương thức để hack tài khoản Facebook. Đó là dò mật khẩu hoặc lập trang web giao diện giống Facebook rồi dụ người dùng đăng nhập để đánh cắp mật khẩu.
Sau khi hack được Facebook, tội phạm nghiên cứu kỹ thông tin chủ tài khoản rồi giả mạo người này để gửi tin nhắn trò chuyện với những người có trong danh sách bạn bè.
Bằng cách hỏi vay tiền, nhờ mua đồ hay mua thẻ điện thoại, tội phạm sẽ chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Người dùng Facebook thường bị lừa đảo qua tin nhắn. Ảnh: K.T. |
Theo Bộ Công an, để dụ người dùng Facebook đăng nhập vào các đường link giả mạo, tội phạm công nghệ cao gửi các tin nhắn có nhiều nội dung gây tò mò. Tin nhắn có thể là thông báo chủ các tài khoản bị người khác xuyên tạc, yêu cầu nhấn đường link, đăng nhập Facebook của mình để xem nội dung.
Tin nhắn lừa đảo cũng có thể là thông báo với các chủ tài khoản rằng họ có vợ, chồng ngoại tình và đã bị chụp ảnh, ghi hình. Chủ Facebook muốn xem hình ảnh thì đăng nhập.
Ngoài ra, tin nhắn còn thể hiện dưới dạng thông báo con em, bạn bè, người thân của chủ tài khoản đang tham dự một cuộc thi, hiện lọt top 10 nên cần lượt chia sẻ. Chủ tài khoản muốn bình chọn thì phải đăng nhập Facebook và làm theo hướng dẫn.
Thực chất, các đường link này đều bị giả mạo, được tội phạm tạo ra giống như website chính thức của Facebook để đánh cắp mật khẩu.
Bộ Công an khuyến cáo người dùng Facebook cảnh giác với tin nhắn vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại. Nếu gặp thủ đoạn này, người dùng cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản để xác minh.
Tuyệt đối không đăng nhập trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường. Không nên cài đặt mật khẩu Facebook dễ nhớ, đơn giản.