“Nguyên tắc là Bộ sẽ giao cho công an các đơn vị, địa phương tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xử lý các đối tượng cầm đầu, gây rối và lợi dụng việc ách tắc giao thông để gây rối”, thiếu tướng Lương Tam Quang nói với Zing.vn chiều 4/12, khi được hỏi về việc Bộ Công an tung quân xuống Tiền Giang tham gia giữ gìn an ninh tại khu vực trạm BOT Cai Lậy.
Trả lời về việc Bộ Công an có tung lực lượng xuống Tiền Giang hay không, tướng Quang nói: “Bộ sẽ chỉ đạo để công an các địa phương vào cuộc”.
Không chỉ riêng ở BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Chánh văn phòng Bộ Công an cho hay Bộ còn yêu cầu công an các địa phương khác phải chủ động nắm tình hình, phòng ngừa các hành vi kích động, gây rối nếu có.
Thiếu tướng Lương Tam Quang. Ảnh: Quang Anh. |
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng ở trạm BOT Cai Lậy có một số tài xế quá khích, không ủng hộ thu phí như đánh xe đến giữa trạm thu phí, tắt máy bỏ xe đi chơi.
Sau khi tiến hành thu phí trở lại (30/11 đến nay), trạm BOT Cai Lậy đã phải xả trạm nhiều lần để tránh ùn tắc giao thông do các tài xế dùng tiền lẻ, tiền xu và nhiều chiến thuật câu giờ khác khi qua trạm.
Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau hai tuần hoạt động, ngày 15/8, BOT Cai Lậy cho xả trạm, ngừng thu phí. Các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần phải xả trạm.
Sau đó, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện. Cụ thể, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (trước 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.
Theo chủ đầu tư, mức phí sẽ giảm 30% so với trước đây. Người dân tại 4 xã, gồm Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An (huyện Cai Lậy) được miễn phí qua trạm nếu như không kinh doanh vận tải.