Chiều 29/9, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết lãnh đạo Bộ đã nhận được báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng về việc một số cán bộ Công an thị xã Vĩnh Châu vi phạm nghiêm trọng quy trình công tác và vi phạm lễ tiết trong thi hành công vụ, có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Sóc Trăng làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.
Đại úy Châu Minh Trung đánh em N.H.Đ. |
Chiều 25/9, tổ tuần tra gồm 5 người của Đội CSGT và Trật tự Công an thị xã Vĩnh Châu làm việc trên tuyến đường Nam Sông Hậu. Đội phó là đại úy Hứa Trường An làm tổ trưởng, lái xe tải. Bốn tổ viên đi môtô là đại úy Châu Minh Trung, đại úy Trần Minh Đời, trung úy Nguyễn Quốc Thái và thượng úy Đoàn Tấn.
Khi tuần tra đến phường Vĩnh Phước, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện Đ. chạy xe máy chở theo L.T.L. (15 tuổi). Khi tổ tuần tra ra tín hiệu dừng phương tiện, người cầm lái không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng qua nhiều tuyến đường với quãng đường khoảng 30 km.
Sau khi Đ. dừng xe tại khu vực Công ty TNHH MTV Ong Sái ở xã Vĩnh Hải, 4 cảnh sát đi môtô cũng có mặt. Hình ảnh camera cho thấy 3 cảnh sát đã đánh Đ. và L.
Trong đó, người đánh nhiều nhất là đại úy Trung. Sau khi đánh bằng gậy chỉ huy giao thông, ông Trung đã đấm, đá và dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu các em.
Nói về sự việc hôm đó, đại úy Trung cho biết tài xế xe máy không có giấy phép lái xe, chạy xe trên 100 phân khối. “Em cầm lái chạy lạng lách, ép xe CSGT, nên chúng tôi nóng giận”, đại úy Trung nói với Zing.
Tối 28/9, Công an thị xã Vĩnh Châu quyết định đình chỉ công tác 2 tháng đối với 4 cảnh sát là ông Trung, Đời, Thái và Phong.
Theo một số luật sư, việc làm của cảnh sát trong trường hợp này có thể bị xử lý về một trong các hành vi cố ý gây thương tích, theo Điều 134 Bộ luật Hình sự, hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự. Trường hợp cảnh sát gây thương tích khi đang thi hành công vụ thì phải chứng minh được mình đang thi hành công vụ. Còn nếu không thi hành công vụ, cảnh sát sẽ bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích.
Trong cả 2 trường hợp, kết quả giám định thương tật sẽ là căn cứ để giải quyết. Ngoài ra, luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần xét đến yếu tố cảnh sát có cố ý muốn gây tổn hại sức khỏe cho đối phương hay không, và xem xét hành vi có diễn ra liên tục, cảnh sát cầm mũ bảo hiểm (hung khí nguy hiểm) đánh vào đầu nam sinh (vùng trọng yếu cơ thể).