Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra (KLĐT), đồng thời đề nghị truy tố 26 bị can trong vụ án "Đưa, nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.
Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Huỳnh Tuấn Ân (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân (Tập đoàn Tuấn Ân); Trần Ngọc Linh và Nguyễn Thành Ngôn, cùng là cựu Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận cùng 23 bị can khác.
Các bị can trong vụ án bị đề nghị truy tố về các tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước".
Theo kết KLĐT, bị can Huỳnh Tuấn Ân đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới thỏa thuận, thống nhất với Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận về việc chi tiền ngoài hợp đồng để Tập đoàn Tuấn Ân được trúng 26 gói thầu với tổng giá trị hơn 141 tỷ đồng, qua đó gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 49,7 tỷ đồng.
![]() |
Hai cựu Giám đốc Điện lực Bình Thuận (bên phải) và Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân. |
Quá trình thanh quyết toán hợp đồng các gói thầu, bị can Ân chỉ đạo duyệt chi để cấp dưới đưa hối lộ cho các cá nhân tại Công ty Điện lực Bình Thuận hơn 10,9 tỷ đồng.
KLĐT chỉ rõ việc tổ chức đấu thầu tại Công ty Điện lực Bình Thuận bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sót như: không công khai, minh bạch thông tin đấu thầu. Các cán bộ, nhân viên phụ trách đấu thầu cố ý tiết lộ thông tin nội bộ, hồ sơ đặc tính kỹ thuật, dự toán gói thầu cho Tập đoàn Tuấn Ân để chuẩn bị hồ sơ dự thầu hợp lệ.
Tiếp đến là cài đặt các yêu cầu kỹ thuật đặc thù nhằm hạn chế cạnh tranh và thiết lập "quân xanh, quân đỏ" trong hoạt động đấu thầu.
Với thực trạng trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức đấu thầu tại các Tổng công ty Điện lực trực thuộc; rà soát, hoàn thiện các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực điện lực, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến vật tư thiết bị được đưa vào vận hành trên lưới điện.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng kiến nghị Tổng công ty Điện lực Miền Nam tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức đấu thầu tại các công ty điện lực trực thuộc, đặc biệt chú trọng khâu xây dựng kế hoạch đấu thầu, danh mục hồ sơ đặc tính kỹ thuật, dự toán giá gói thầu.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc đánh giá, xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị chưa thực hiện đúng quy định về đấu thầu mua săm vật tư thiết bị. Chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành tại Công ty Điện lực Bình Thuận; rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai phạm trên.
Đồng thời kiến nghị xây dựng cơ chế luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với các chức danh quản lý, đặc biệt là giám đốc, trưởng phòng kế hoạch vật tư, tổ trưởng tổ chuyên gia đấu thầu và tổ trưởng tổ thẩm định để phòng ngừa tiêu cực tham nhũng.
Bộ Công an cũng kiến nghị Bộ chủ quản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, hoàn thiện các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực điện lực, nhất là các quy định về đặc tính kỹ thuật, dự toán giá gói thầu, quy trình đấu thầu.
Ngoài ra, theo Bộ Công an, trong vụ án này, để che giấu lợi nhuận thực tế, Tập đoàn Tuấn Ân đã thiết lập, vận hành song song 2 hệ thống sổ kế toán. Trong đó, hệ thống sổ kế toán nội bộ ghi nhận đầy đủ hoạt động thực thu thực chi, hệ thống sổ kế toán chỉ ghi nhận các hoạt động có chứng từ hợp lệ.
Để tăng chi phí, giảm lợi nhuận, Tập đoàn Tuấn Ân thực hiện việc mua 1.163 hóa đơn khống từ 11 doanh nghiệp, để ngoài sổ kế toán thuế hơn 544 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2023, gây thiệt hại hơn 156 tỷ đồng tiền thuế.
Do đó, Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Cục thuế tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp có biến động bất thường về doanh thu, chi phí, lợi nhuận.
Cùng với đó là chỉ đạo Chi cục thuế khu vực II, Chi cục thuế khu vực XVII rà soát, xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc kiểm tra, thanh tra thuế đối với Tập đoàn Tuấn Ân và các công ty thành viên.
Tăng cường công tác quản lý hóa đơn điện tử; xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống phân tích thông tin nhằm kịp thời phát hiện các hành vi mua bán hóa đơn trái phép, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.