Đến chiều 7/10, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Tổng cục An ninh II (Bộ Công an), Công an Gia Lai và đoàn công tác Tổng cục Lâm nghiệp vẫn tiếp tục trực chiến tại các xưởng gỗ lậu có quy mô lớn ở tỉnh Gia Lai.
Lực lượng điều tra huy động lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường, tiến hành kiểm đếm số gỗ có mặt tại bãi.
Tại các xưởng gỗ lớn như ở làng Nú, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ), huyện Chư Prong, nhiều cảnh sát cơ động sử dụng xe chuyên dụng tấn công các bãi gỗ. Các bãi gỗ được bảo vệ trong tình trạng nghiêm ngặt.
Bên trong xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng tại làng Nú, xã Ia Nan (Đức Cơ, Gia Lai) bị kiểm tra đột xuất. Ảnh: B.D. |
PV Tuổi Trẻ đã vào được xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng - một “trùm gỗ” lớn nhất nhì của tỉnh Gia Lai. Một người dân cho biết, xưởng gỗ này có quy mô lớn, là nơi tập trung hàng trăm m3 gỗ được vận chuyển từ giáp biên giới Campuchia về tập kết.
Hàng trăm m3 gỗ tròn chất thành đống, xung quanh xưởng được bịt kín bằng hệ thống tường kiên cố và luôn có người canh giữ. Phía trong, nhiều xưởng cưa cũng được bố trí để cưa xẻ gỗ, chủ yếu là hương, cẩm lai.
Lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, các đơn vị này chỉ được nghe báo cáo về việc tấn công các xưởng gỗ cận kề sau khi Bộ Công an đưa lực lượng vào và đề nghị phối hợp.
“Chúng tôi cũng mới biết được sự việc và phối hợp chặt chẽ để kiểm tra hành chính các xưởng gỗ” - đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai nói.
“Chúng tôi vẫn chưa thể nói được thêm gì, đơn vị nào sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là phối hợp” - một lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai nói.
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, hiện có một loạt xưởng gỗ lớn của Công ty Bảo Hoàng (Gia Lai) bị Bộ Công an, Cục Kiểm lâm yêu cầu mở xưởng kiểm tra. Đây là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh gỗ.
Ban nội chính Tỉnh ủy Gia Lai thông tin, chuyên án này có liên quan đến việc một lượng lớn gỗ được đưa từ biên giới Campuchia về Việt Nam sau khi tỉnh Gia Lai cho phép đưa gỗ qua các cửa khẩu phụ dọc biên giới.