Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công an đề xuất tăng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày

Đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu ở Việt Nam tối đa 3 tháng.

Bộ Công an vừa hoàn thành hồ sơ Dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Theo Bộ Công an, từ ngày 15/3/2022, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với năm 2021, nhưng vẫn còn rất thấp so với thời điểm trước dịch, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019.

Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi du lịch, kinh tế xã hội. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.

Thi thuc dien tu anh 1

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 chưa đạt kỳ vọng. Ảnh: Lonely Planet.

Trước bối cảnh đó, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo, trong đó có nội dung đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần theo đề nghị của người nước ngoài. Điều này nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu ở Việt Nam tối đa 3 tháng.

Các cá nhân có nhu cầu tiếp tục ở lại Việt Nam trong thời hạn trên 3 tháng, thì được xem xét giải quyết theo quy định của luật hiện hành.

Cũng trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất kéo dài thời hạn tạm trú với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Còn thời hạn visa du lịch vẫn giữ nguyên 3 tháng như quy định trước đây.

Chính phủ sẽ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử trên cơ sở không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Về thủ tục khai báo tạm trú, Bộ Công an đề xuất người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú.

Ngoài ra, cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử. Các cơ sở lưu trú khác khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch sáng 15/3, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Những lưu ý trước khi làm hộ chiếu phổ thông gắn chip

Công dân đã có căn cước gắn chip và SIM điện thoại đăng ký chính chủ, thì hoàn toàn có thể nộp hồ sơ trực tuyến mà không cần đến trực tiếp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Bộ Công an đề xuất sửa đổi nhiều thông tin trên CCCD gắn chip

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đề xuất đổi "Quê quán" thành "Nơi đăng ký khai sinh", đổi "Nơi thường trú" thành "Nơi cư trú" trên mặt trước CCCD gắn chip.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm