Bộ Công an cho biết thời gian gần đây, nhiều kẻ xấu lợi dụng tình trạng mua bán trang phục công an trên mạng xã hội để giả danh lực lượng chức năng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Để phát hiện kẻ giả mạo, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nhận biết các thủ đoạn chúng gây án và quan sát những dấu hiệu trực quan.
Theo cơ quan chức năng, cách đơn giản nhất để nhận diện cảnh sát dỏm là chú ý quan sát trang phục. Kẻ gian thường sử dụng trang phục không đồng bộ, công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ ngành không đúng quy định khi tuần tra, kiểm soát hay liên hệ làm việc với người dân.
"Đối tượng giả công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ, cố tình để người khác thấy giấy tờ, thẻ ngành", Bộ Công an nhấn mạnh và khuyến cáo khi thấy nghi ngờ, người dân cần đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.
Tang vật Công an TP.HCM thu giữ của một kẻ giả công an. Ảnh: Lê Trai. |
Ngoài ra, người dân có thể tìm cách gợi mở, hỏi chuyện để đối phương nói thật nhiều về lĩnh vực công tác. Theo Bộ Công an, đối tượng giả danh càng nói nhiều thì họ càng bộc lộ sơ hở.
Nhà chức trách gợi ý người dân có thể hỏi đối phương một số thông tin cơ bản như: Trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành công an thế nào? Đơn vị hiện tại ở đâu, lãnh đạo là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể là gì?
Nếu nghi ngờ, người dân cũng có thể tìm cách chụp ảnh, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan chức năng. "Tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, đánh giá thông tin để xác định đó có phải là người giả danh hay không", Bộ Công an khuyến nghị.
Theo cảnh sát, khi nghi ngờ có kẻ giả mạo công an, người dân cần nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng. Sau đó, họ cần tìm cách gọi người hỗ trợ hoặc thông báo cho công an nơi gần nhất.