Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công an phá đường dây cho vay nặng lãi hơn 1.800 tỷ đồng

Khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng với tổng 1.802 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã giải ngân là 659 tỷ đồng.

Chiều 21/7, Bộ Công an cho biết Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Lào Cai vừa triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn qua ứng dụng điện thoại di động.

Cơ quan điều tra làm rõ Nguyễn Thị Hoài Thương (29 tuổi), Chống Ngọc Phụng (22 tuổi, cùng trú TP.HCM) và Phạm Thị Huyền (32 tuổi, ở Lào Cai) cùng điều hành. Đường dây này hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam.

Nhóm cầm đầu trên lập các bộ phận chuyên trách. Trong đó, bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay đặt tại TP.HCM. Bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ, thu hộ tại Hà Nội. Còn bộ phận nhắc nợ, thu hồi nợ đặt tại tỉnh Lào Cai.

Cho vay lai nang anh 1

Công an bắt giữ người có liên quan cùng tang vật vụ án. Ảnh: Bộ Công an.

Ngoài ra, họ lập ra Công ty TNHH Công nghệ Funmobi, sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động. Sau đó, các nghi phạm liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 triệu đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất trên 2.090%/năm.

Để vay tiền, khách hàng được bộ phận hỗ trợ, chăm sóc khách hàng hướng dẫn cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động. Khách phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, số CMND/CCCD hoặc hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng, ảnh chân dung. Đồng thời, người vay phải cấp quyền cho ứng dụng truy cập danh bạ.

Sau khi hồ sơ vay của khách hàng được duyệt, bộ phận trung gian thanh toán sẽ giải ngân vào tài khoản ngân hàng của khách. Nhóm điều hành cho vay được hưởng lợi 40,1% được gọi là các khoản phí và lãi suất cho gói vay 7 ngày. Trong thời hạn 7 ngày, khách hàng phải thanh toán khoản vay vào tài khoản do nhóm cho vay chỉ định.

Khi khoản vay đến hạn thanh toán, nhân viên sẽ liên lạc với khách hàng để nhắc nợ. Nếu khoản vay quá hạn, bộ phận thu hồi nợ sẽ liên lạc và sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự của khách hàng vay và người thân, bạn bè để thu hồi được khoản vay.

Cho vay lai nang anh 2

Các nghi phạm trong vụ án đã chiếm hưởng hơn 322 tỷ đồng. Ảnh: Bộ Công an.

Ngày 12/7, lực lượng công an đã triệu tập, làm việc với 41 nghi phạm, thu giữ 72 điện thoại di động, 43 máy tính, nhiều chứng từ, con dấu của 2 công ty và các giấy tờ, tài liệu có liên quan để điều tra.

Bộ Công an làm rõ tính đến nay, khoảng 159.000 khách hàng đã vay tiền qua các ứng dụng với tổng số tiền vay là 1.802 tỷ đồng. Số tiền đã giải ngân là 659 tỷ đồng. Còn số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830 tỷ đồng. Các nghi phạm trong vụ án chiếm hưởng hơn 322 tỷ đồng.

Qua vụ án, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân không vay tiền qua các ứng dụng hoạt động trái phép trên không gian mạng; không cung cấp thông tin cá nhân của mình và người thân, bạn bè cho người lạ. Khi bị ai đó gọi điện đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm, người dân cần khai báo với công an địa phương.

Bắt giữ người cho vay tiền với lãi suất 400% mỗi năm

Khi người vay không có tiền trả nợ, Bảo gây sức ép bằng cách đe dọa bắt cóc con cái của họ.

Bộ Công an thu thập hồ sơ 10 dự án liên quan FLC ở Quảng Bình

Cơ quan điều tra đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án do Tập đoàn FLC và đơn vị liên quan đầu tư.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm