Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT: 30 điểm trượt đại học là trường hợp cá biệt

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, thí sinh đạt 30 điểm trượt đại học là trường hợp cá biệt, không nên nhìn vào đó để đánh giá một kỳ thi.

Đại diện Bộ GD&ĐT nói về điểm ưu tiên Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên hiện nay là cần thiết để đảm bảo công bằng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - giải đáp những thắc mắc của thí sinh quanh hàng loạt vấn đề nóng như điểm thi, tiêu chí phụ, điểm ưu tiên.

Vì sao điểm chuẩn trên 30?

- Năm nay, điểm chuẩn D01 đối với nữ ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện An Ninh Nhân dân) lên đến 30,5. Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y cũng có ngành lấy 30 điểm kèm tiêu chí phụ. Bà nghĩ sao về điểm chuẩn đạt mức kỷ lục và tình trạng thí sinh đạt 30 điểm vẫn không đỗ đại học?

- Thí sinh 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng một chỉ là trường hợp cá biệt. Chúng ta không nên nhìn vào thiểu số để vẽ nên một kỳ thi THPT quốc gia, bởi điều đó không chính xác.

Ngoài ra, năm nay, khá nhiều ngành trong trường có phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40, nhìn vào hình thức sẽ có cảm giác điểm trúng tuyển rất cao, nhưng đó không phải điểm thực của tổ hợp ba môn thi.

Riêng khối trường công an và quân đội vốn có điểm chuẩn cao từ trước. Năm nay, trường công an không tuyển sinh hệ cao đẳng, chỉ tiêu giảm 54%, lại tuyển 10% em là nữ nên cánh cửa trúng tuyển rất hẹp. Trường quân đội cũng giảm hơn 32% chỉ tiêu. Trong khi đó, học sinh giỏi đổ xô vào trường khiến điểm chuẩn lên mức trên 30.

- Điểm chuẩn tăng đột biến khiến tâm lý của nhiều học sinh hoang mang. Rất nhiều trường hợp thí sinh phản ánh đạt hơn 29 điểm vẫn trượt nguyện vọng một. Đó có phải là sự bất thường?

- Điểm thi THPT quốc gia năm nay cao hơn một chút so với mọi năm nhưng nếu nói đó là bất thường thì không đúng. Thực ra, chúng tôi đã dự liệu được điều này từ trước vì tất cả môn thi (trừ Ngữ văn) đều thi trắc nghiệm - hình thức dễ gỡ điểm.

diem chuan dai hoc 2017 anh 1
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Anh Tuấn.

Quy chế đã cho thí sinh đăng ký xét tuyển lần thứ nhất để chọn trường, ngành theo nguyện vọng, sở trường. Sau khi biết điểm, thí sinh được thay đổi nguyện vọng cho phù hợp điểm thi.

Trong buổi giao lưu trực tuyến Giải đáp xét tuyển đại học của VTV24, nhiều học sinh gửi câu hỏi cho bà Nguyễn Thị Kim Phụng.

Một em nêu quan điểm: “Năm nay, đề thi có tính phân loại yếu, học sinh được cộng từ 0,5 đến 3,5 điểm, ảnh hưởng rất nhiều đến xét tuyển. Em đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét việc cộng điểm và tính phân loại của đề thi, để điểm thi càng cao, cộng điểm càng ít. Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng này, em nghĩ từ 5-10 năm nữa sẽ không có bác sĩ, luật sư, công an là người Hà Nội”.

Khi thay đổi nguyện vọng, các em đã có đủ thông tin về điểm thi, phổ điểm, mức điểm trúng tuyển những năm trước… để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Trường hợp thí sinh đạt 29,25 điểm và 29,35 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa ở Hà Nội và TP.HCM là cá biệt và đáng tiếc. Tuy nhiên, khi không đỗ nguyện vọng một, các em còn các nguyện vọng tiếp theo vì quy chế không giới hạn, thậm chí có thí sinh đăng ký tới 48 nguyện vọng.

Ví dụ, nếu thích Y đa khoa, các em có thể đăng ký vào ĐH Y Hà Nội nhưng vẫn nên tìm hiểu và có thể chọn các trường Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y Thái Nguyên, Y tế Công cộng, Đại học Điều dưỡng... Tất cả trường này đều lấy thấp hơn mức 29,25 nên chắc chắn sẽ đỗ vào ngành yêu thích.

- Quá nhiều thí sinh đạt điểm cao, “mưa điểm 10”, khiến dư luận đặt ra câu hỏi đề thi quá dễ, không phân hóa được thí sinh?

- Sử dụng thông tin nhiều điểm 10 để nói về kỳ thi chỉ là một góc nhìn, bởi sự phân hóa của đề còn thể hiện ở điểm trung bình trên phổ điểm.

Theo đó, điểm trung bình của 8 môn thi và 2 bài thi như sau: Ba môn có điểm trung bình từ trên 4 đến dưới 5 điểm (Sinh, Sử, Ngoại ngữ); 5 môn thi/bài thi có điểm trung bình từ trên 5 đến dưới 6 điểm (Toán, Văn, Lý, Hoá, Khoa học Tự nhiên ); 2 môn thi/ bài thi có điểm trung bình từ trên 6 đến dưới 7 điểm (Địa và Khoa học Xã hội). Như vậy, có thể thấy, mức điểm trung bình trên phản ánh đúng chất lượng học tập của thí sinh và sự phân hóa.

Theo thống kê chưa đầy đủ, phần lớn điểm trúng tuyển của các ngành đào tạo của các trường đại học đều nằm trong khoảng từ 18 đến 26.

Bộ GD&ĐT tổ chức khâu ra đề thi, người thực hiện là giáo viên THPT ở các vùng miền, tạo nên ngân hàng đề chung của quốc gia. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến góp ý của dư luận để có quy trình làm đề thi ngày càng hoàn thiện.

Nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học

Theo TS Lê Trường Tùng, thí sinh 30 điểm vẫn trượt ngành yêu thích sẽ tạo nên bức tranh tổng thể "buồn cười". Điểm chuẩn đại học lên đến 30,5 là bất hợp lý.

Sẽ khảo sát để đưa ra điểm ưu tiên phù hợp

- Để chọn lọc học sinh, các trường đặt ra “mưa tiêu chí phụ”. Sự khác nhau ở tiêu chí phụ trong các trường và ngành khiến học sinh thấy thiếu công bằng. Bà nghĩ sao về điều này?

- Theo quy chế tuyển sinh, trong những trường hợp thí sinh bằng điểm ở cuối danh sách, trường có quyền căn cứ kinh nghiệm tuyển sinh và yêu cầu của ngành đào tạo để lựa chọn phù hợp.

Tiêu chí phụ tồn tại nhiều năm, không phải năm nay mới xuất hiện. Tiêu chí phụ không phải loại bớt các em điểm cao mà là lựa chọn các em bằng điểm nhau để đảm bảo sự công bằng.

- Vấn đề điểm ưu tiên cũng gây tranh cãi khi đây là trở ngại khiến nhiều học sinh thuộc khu vực 3 không vào được các trường top đầu (trừ dạng tuyển thẳng)?

- Điểm ưu tiên có từ nhiều năm trước đây. Khi xác định điểm ưu tiên, các nhà chính sách nhìn tổng thể về sự chênh lệch điều kiện học tập giữa các vùng miền và đối tượng, chứ không nhìn cụ thể một gia đình, cá nhân nào.

Vì vậy, khi nào còn sự chênh lệch giữa các vùng miền, điểm ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh.

diem chuan dai hoc 2017 anh 2
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

- Trong một ví dụ, hai học sinh cùng có điểm thực chất là 26 và 29, cùng đỗ vào một ngành lấy điểm chuẩn 29. Câu hỏi đặt ra, khoảng cách giữa 3 điểm ưu tiên cũng là khoảng cách về kiến thức. Bạn đạt 26 điểm có đủ năng lực để theo học trong trường không?

- Tôi cho rằng học sinh nào đó ở miền núi trả lời câu hỏi này sẽ tốt hơn. Tôi chỉ nhắc lại ý kiến của một học sinh về điểm ưu tiên diễn ra 2 năm trước.

Em nói: “Tôi được 26 điểm không phải nhận thức của tôi kém hơn bạn 29 điểm mà do không có điều kiện về trường học tốt, thầy giỏi để học tập. Không phải tôi kém, chờ chính sách của Nhà nước và chỉ biết ăn sẵn. Khi vào đại học, có điều kiện như nhau, tôi sẽ chứng minh điều đó cho các bạn”.

Câu chuyện này chỉ mang đến thông tin, bạn có thể thừa nhận, có thể không.

- Tranh luận về điểm ưu tiên không phải năm nay mới  trở thành chủ đề nóng. Bộ GD&ĐT đã có những việc làm nào trước phản hồi của dư luận?

- Cách đây 2 năm, khi vấn đề điểm ưu tiên gây tranh cãi trong dư luận, Bộ GD&ĐT đã chủ động tổ chức cuộc họp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để nhìn nhận, đánh giá. Cuối cùng, tất cả ý kiến toàn diện nhất đều đưa đến kết luận chưa bỏ được điểm ưu tiên.

Tuy nhiên, không phải điểm ưu tiên sẽ giữ nguyên trong các thời kỳ. Bộ GD&ĐT đang lắng nghe ý kiến để sẽ có những nghiên cứu sâu hơn qua những khảo sát, thống kê về chỉ số chênh lệch điều kiện vùng miền trong học tập, nhằm mục đích xác định điểm ưu tiên sao cho phù hợp.

Điểm chuẩn đại học 2017 cao kỷ lục trong nhiều năm

Điểm thi THPT quốc gia cao, nhiều trường lấy điểm chuẩn ở mức kỷ lục so với các năm trước. Thậm chí, thí sinh đạt 30 điểm ứng tuyển vào một số ngành vẫn trượt.

Thi trắc nghiệm nên điểm cao

Trả lời trên VTV tối 2/8, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định kỳ tuyển sinh năm 2017 đã diễn ra thành công, thí sinh rất nhẹ nhàng, các trường cũng thuận lợi, đảm bảo sự công bằng tối đa. Việc chia khu vực phía Bắc và phía Nam khiến công tác xét tuyển trở nên nhẹ nhàng. Bằng chứng là ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên có 170/322 trường tuyển đủ chỉ tiêu. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Giải thích về điểm chuẩn các trường top trên cao kỷ lục, thậm chí có trường vượt mức tuyệt đối (30 điểm), ông Ga cho rằng trên tổng số hơn 3.000 ngành tuyển sinh, chỉ có 1% trong số đó là các trường quân đội, công an, y dược tuyển với mức điểm như vậy. Vì quy chế tuyển sinh năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng, các thí sinh có điểm thi cao đều dồn vào những trường này.

Trước những ý kiến cho rằng đề thi không phân hóa tốt dẫn đến có quá nhiều thí sinh đạt điểm 9, 10, đẩy mức trúng tuyển lên cao, Thứ trưởng GD&ĐT nói trước đây, hình thức thi tự luận chỉ có một số câu khó, tập trung ở một vài chương. Em nào ôn trúng những chương này sẽ làm được bài. Với hình thức thi trắc nghiệm, các câu hỏi khó rải đều ở tất cả chương, nên sẽ có nhiều em làm được và điểm cao hơn.

"Số em đạt điểm 9, 10 cũng không quá 3% tổng số thí sinh, tương đương số có điểm 0 và 1. Vấn đề là những em có điểm thi cao lại đăng ký vào trường, ngành lâu nay có điểm chuẩn rất cao, chỉ tiêu rất ít. Nhiều thí sinh điểm cao dẫn đến có những em không trúng tuyển vào trường này nhưng chắc chắn trúng tuyển vào trường khác", ông Ga lý giải.

Tâm sự của nam sinh 29,25 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội Đạt 29,25 điểm nhưng nam sinh đến từ Thạch Thất, Hà Nội vẫn trượt đại học vì tiêu chí phụ.

'Thí sinh 29,35 điểm trượt ĐH Y Dược TP.HCM vì quy định chung'

Đạt 29,35 điểm, nam sinh ở TP.HCM vẫn trượt ngành Y đa khoa của ĐH Y Dược TP.HCM vì quy định làm tròn điểm và tiêu chí phụ.

Quyên Quyên ghi

Video: Đức Phạm

Bạn có thể quan tâm