Sáng 26/3, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo định kỳ quý I năm 2019. Nhiều vấn đề được đề cập như hoàn thiện Luật giáo dục (sửa đổi), xử lý sai phạm về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2019. Trong đó, gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Sơn La, Hòa Bình là vấn đề được quan tâm nhất.
Ông Nguyễn Viết Lộc - Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT - cho biết căn cứ kết quả thông báo của Bộ Công an, Bộ GD&ĐT đã thông tin tới Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La, yêu cầu cập nhật kết quả thi sau khi chấm thẩm định, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 cho thí sinh liên quan. Đồng thời, địa phương thông báo đến sinh viên đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên liên quan.
Theo ông Mai Văn Trinh, cách đây 8 tháng, Bộ GD&ĐT hứa xử lý nghiêm gian lận thi cử ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, nay đã trở thành hiện thực.
Về quan điểm chỉ đạo, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an không dung túng cho sai phạm. Bộ Công an rất quyết tâm, đầu tư về kỹ thuật và con người, đã mang lại kết quả. Theo quy định của quy chế, kết quả chấm thẩm định là chính thức, được thay thế cho kết quả kỳ thi THPT quốc gia trước đó.
Ông Trinh cho biết hiện tại, bộ chưa nhận được báo cáo của Sở GD&ĐT Hòa Bình, dù địa phương này phải báo cáo trước ngày 25/3.
Ông Mai Văn Trinh kiểm tra chấm thi tại Hòa Bình trước thời điểm phát hiện gian lận thi cử năm 2018. Ông Trinh cho rằng cần cân nhắc việc công khai danh tính người liên quan gian lận điểm thi vì có thể gây tác động tiêu cực đến thí sinh. Ảnh: H.N. |
Với việc công bố danh tính của thí sinh gian lận, quan điểm của Bộ GD&ĐT là phải tuân thủ Hiến pháp 2013 và tuân thủ Luật Dân sự 2016. Việc công bố danh tính vào thời điểm nào, đến đâu, phải dựa vào việc tiếp tục điều tra của Bộ Công an.
"Chúng ta không thể không tính đến tác động cực đoan đến thí sinh. Cơ quan điều tra sẽ tính thêm điều này", ông Trinh nói.
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho biết năm 2019, phần mềm chấm thi tốt nghiệp đã được triển khai và tập huấn theo hướng tăng cường bảo mật. Đây là bước cải tiến căn bản, tất cả công nghệ đã được mã hóa, nhằm hạn chế tiêu cực thi cử có thể xảy ra như năm 2018.
Trước đó, Bộ GD&ĐT công bố 64 thí sinh ở Hòa Bình (63 em của năm 2018 và một của năm 2017) được sửa điểm thi THPT quốc gia. 56 thí sinh có bài thi trắc nghiệm sửa điểm. Một thí sinh có bài thi Hóa học được nâng 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng điểm 3 môn với tổng số 26,45.
Hôm 24/3, Bộ GD&ĐT cũng công bố sai phạm điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La với kết quả 44 thí sinh, 95 bài trắc nghiệm, 2 bài Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn trước. Có thí sinh được nâng 26,55 điểm/3 môn. Một bài thi môn Toán của một thí sinh được nâng tới 9 điểm.
Cả hai sở này đều chưa công bố danh sách thí sinh liên quan gian lận.
* PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, đặt câu hỏi tại sao Sở GD&ĐT Hòa Bình lại lo sợ tổn thương các em nếu công khai danh sách gian lận thi cử. Ông cho rằng đây là vụ tiêu cực, đã xử lý thì liên lụy đến ai, người đó phải chịu trách nhiệm. “Giờ sao lại nói chuyện tổn thương hay không. Sở phải công khai những ai được sửa điểm, đang học trường nào”, nguyên thứ trưởng nói.
* TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - cho rằng cần công khai trong số thí sinh được can thiệp điểm, có ai là “con ông cháu cha”, đặc biệt con quan chức, không. Các quan chức cần gương mẫu, trước hết, phải trung thực, thực hiện đúng pháp luật. Quan chức tiếp tay cho gian lận thi cử cần bị xử lý dứt khoát, không được lợi dụng chức quyền để che giấu, bao che cho nhau.
* TS Nguyễn Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - bày tỏ quan điểm phải công bố danh sách người mua điểm để răn đe, làm gương. "Nếu không công bố là thể hiện sự mập mờ. Đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình nói không công bố thí sinh gian lận điểm thi là trốn tránh, lấp liếm, ngụy biện. Chỉ khi nào thông tin được công khai mới đủ sức răn đe", TS Khuyến nói.