Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chính thức môn Vật lý kỳ thi THPT quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, câu hỏi về điện xoay chiều trong đề thi có sai sót. Chuyên gia vật lý cho rằng đề có sai sót, trong khi Bộ GD&ĐT phủ nhận, giữ nguyên ba-rem chấm nhưng tặng tất cả các thí sinh 0,2 điểm.
Giữ nguyên đáp án và “biếu” điểm thí sinh
Cụ thể là câu 43, mã đề 138 và nghi vấn được đặt vào dữ kiện đề bài của f1, f2. Một số ý kiến cho rằng, theo đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT, kết quả cần tìm là 70 Hz (đáp án A). Tuy nhiên, khi đối chiếu với điều kiện f1, f2 thì kết quả này không thỏa mãn yêu cầu của đề bài. Nói về sai sót này, GS.TS Vật lý Hà Huy Bằng, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Kết quả này không những không thỏa mãn yêu cầu của đề bài mà các giá trị f1, f2 còn không tồn tại trong thực tế”.
Vào chiều 6/7, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức về sự việc trên. Theo đó, Tổ ra đề môn Vật lý giải trình rằng, câu 47 mã đề thi 274 (tương ứng câu 47 mã 138; câu 46 mã 426; câu 48 mã 841; câu 44 mã 682, câu 41 mã 935): Nội dung câu hỏi và phương án trả lời không có gì sai sót; câu 44 mã đề thi 274 (tương ứng câu 43 mã 138; câu 50 mã 426; câu 41 mã 841; câu 43 mã 682, câu 43 mã 935) là một dạng bài tập về dòng điện xoay chiều quen thuộc. Khi học sinh và giáo viên giải câu này (trên các báo viết, trên truyền hình, trên một số báo mạng…) đều nhận được kết quả fo = 70,7 Hz.
Thí sinh soi lại với đáp án sau giờ thi môn Vật lý tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong. |
Bộ GD&ĐT khẳng định: “Tổ ra đề thi khi chọn câu hỏi này để đưa vào đề thi đã giải theo các cách phổ biến, thường được dùng ở trường THPT và cũng đã nhận được kết quả như đã cho trong đáp án (fo = 70,7 Hz). Bộ GD&ĐT chỉ thừa nhận sai sót kể trên ở mức: “Nếu suy xét toàn diện hơn, thì các dữ kiện của câu hỏi thi này đúng về mặt toán học mà chưa đủ ý nghĩa vật lý”.
Nhận xét về cách lý giải này, GS TS Hà Huy Bằng nói: “Đây là một sự bao biện và là câu trả lời thiếu nghiêm túc về sai sót nói trên vì hiện tượng vật lý này sẽ không xảy ra với số liệu cho ở đề bài”.
Kết luận vụ việc, giải pháp của Bộ GD&ĐT đưa ra là: Để bảo đảm quyền lợi thí sinh, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng ra đề thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2015 quyết định giữ nguyên đáp án và hướng dẫn chấm môn Vật lý; riêng đối với câu 44 mã đề thi 274, câu 43 mã đề thi 138, câu 50 mã đề thi 426, câu 41 mã đề thi 841, câu 43 mã đề thi 682, câu 43 mã đề thi 935 tất cả các thí sinh đều được 0,2 điểm; thang điểm các câu còn lại không thay đổi, điểm tối đa toàn bài thi môn vật lý vẫn là 10 điểm.
Nói về điều này, GS TS Hà Huy Bằng nhận xét, đây là một giải pháp tình thế và là giải pháp hợp lý nhất để giải quyết vụ việc vì có thể có những thí sinh sẽ kiện câu hỏi sai nên mất nhiều thời gian để giải quyết.
Bộ đã “chọn mặt gửi vàng” khi làm đề
Trả lời câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết, vì môn Vật lý có đặc thù của nó, thực tế khi làm đề Bộ cũng đã “chọn mặt gửi vàng” và đã chọn nhiều giáo viên giỏi chứ không ít.
Nói về điều này, GS.TS Hà Huy Bằng cho biết, việc Bộ GD&ĐT ra đề thi hướng đến thực hành trong những năm gần đây nhằm điều chỉnh quá trình dạy và học là đúng nhưng nếu không cẩn thận, xem xét đi xem xét lại, thì sẽ phạm sai lầm dẫn đến sai sót.
Trong trường hợp này, GS Bằng nói, người ra đề thi chỉ chú ý đến áp dụng định lý Vi-ét, từ đó có thể ra một hệ thức để tính được f=0 nhưng quên rằng những giá trị đó thực sự là nghiệm của một phương trình không hề tồn tại.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, những người ra đề thường làm việc rất cẩn thận, sau khi ra đề, giải thử đề còn có ban thẩm định, duyệt lên duyệt xuống nhiều lần.
Tuy nhiên, nếu có sai sót thì cần tìm phương án khắc phục trong chấm thi làm sao có lợi nhất cho thí sinh chứ không nên tranh cãi. Cũng theo PGS, ông rất tán thành chuyện áp dụng thực tiễn vào đề thi nhằm đảm bảo tính thời sự, xã hội.
Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ đề thi môn Toán, câu đưa dịch Mers – CoV lại rất buồn cười, gượng gạo. “Đề thi mở, mang tính ứng dụng thực tiễn chỉ nên ra trong các môn Văn, Sử, Địa, còn các môn Toán, Lý bản chất là các con số không nên gượng ép, cố nhét bằng được tính thực tiễn vào”, ông Cương nói.
Đề thi khó chọn được nhân tài
GS.TS Hà Huy Bằng nhận xét: Việc thay thế 2 kỳ thi bằng 1 kỳ thi như hiện nay, tránh được tốn kém và căng thẳng như mục tiêu đề ra nhưng việc ra đề thi lại kéo theo một hệ luỵ khác. Đó là đề thi chung đã kéo tụt lùi kiến thức vì có những câu hỏi thi quá dễ, dễ hơn cả câu hỏi thi tốt nghiệp và bài tập trong sách giáo khoa.
Việc ra đề thi quá dễ như thế làm cho quá trình dạy và học phổ thông bị kéo lùi lại vì học sinh chỉ cần học thuộc và làm phép tính đơn giản là có thể ra đáp số; làm cho học sinh chỉ nhận biết kiến thức một cách thô thiển cũng làm được bài.
Theo GS Bằng, điều này cũng khiến học sinh khá và giỏi khó có điều kiện để thể hiện tài năng. Ngoài ra, phần khó của đề thi hẹp quá (trước kia câu hỏi khó trải dài kiến thức hơn rất nhiều) và đây là một bất cập cần suy nghĩ, nếu không, khó chọn được nhân tài, GS.TS Hà Huy Bằng nhận định.
Thí sinh Nguyễn Khang Hân, học sinh THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TP HCM cho rằng, theo như đáp án công bố của Bộ GD&ĐT, Hân được 9,2 điểm (tính thêm cả 0,2 điểm được “biếu”).
“0,2 điểm đối với em không nhiều, tuy nhiên em thấy hơi buồn vì câu hỏi đó làm mất khá nhiều thời gian và sự bình tĩnh, khiến em bị áp lực tâm lý với những câu hỏi phía sau”, Hân nói.
Nguyễn Phương Vy, học sinh trường THPT Thủ Đức, quận Thủ Đức TP HCM nói: “Việc cho tất cả các thí sinh dù làm hay không làm, làm đúng hay làm sai câu này đều được 0,2 điểm là một thiệt thòi chung cho cả em và nhiều bạn khác nữa bởi cạnh tranh vào đại học thì 0,2 điểm cũng đủ quyết định người này đậu người kia rớt”.