Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT: Đảm bảo công bằng giữa các vùng miền khi dạy học online

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá chất lượng học tập ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Một số địa phương có tình trạng học sinh không chuyên cần, bỏ học.

Một trong những nhóm vấn đề được nêu trong báo cáo của Bộ trưởng GD&ĐT gửi Quốc hội là công tác dạy học trực tuyến đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh vùng miền và giảm tải chương trình.

Theo báo cáo, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường, triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình. Các trường thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", đảm bảo hiệu quả công bằng trong việc tiếp cận điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

"Thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến diễn ra trên diện rộng, cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn, học sinh chưa chuẩn bị tâm thế, điều kiện kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc dạy và học", bộ trưởng đánh giá.

cong bang giua cac vung mien khi day hoc online anh 1

Máy tính, thiết bị học trực tuyến được huy động để hỗ trợ học sinh khó khăn khi học trực tuyến. Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình.

Hỗ trợ thiết bị cho học sinh học trực tuyến

Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định về quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học, hoàn thành chương trình.

Việc pháp điển hóa hình thức dạy học trực tuyến còn nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em học mọi nơi, mọi lúc, hướng đến đảm bảo hiệu quả, công bằng giữa học sinh vùng miền.

Đến ngày 30/10, cả nước có 23 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp. 15 tỉnh, thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình. 25 địa phương chỉ tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, đồ dùng học tập để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời.

Đến nay, bộ đã nhận được đề xuất nhu cầu hỗ trợ máy tính của 56/63 tỉnh, thành. Trong đó, hơn 2 triệu học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ. Tại các tỉnh, thành đang triển khai dạy học trực tuyến, con số này là 1,8 triệu em.

Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến, qua truyền hình, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em". Đến ngày 30/10, các tập đoàn viễn thông xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức, đơn vị cam kết ủng hộ hơn một triệu máy tính.

Ngoài ra, tính đến ngày 25/10, ngành giáo dục huy động được hơn 142,4 tỷ đồng, gần 28.500 máy tính bảng, 28.500 điện thoại thông minh, 79.400 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng hướng dẫn các địa phương tổ chức mua sắm bằng nguồn kinh phí huy động, tiếp nhận máy tính từ những đơn vị đã cam kết tài trợ bàn giao cơ sở giáo dục để trao cho học sinh.

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết số máy tính huy động được mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu cần hỗ trợ. Việc mua sắm máy tính từ nguồn huy động ở địa phương gặp khó khăn vì công tác tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, nguồn hàng hạn chế.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia chương trình "Sóng và máy tính cho em", phấn đấu tất cả học sinh, sinh viên không có điều kiện mua máy tính được hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến.

Bên cạnh đó, bộ tiếp tục phối hợp nhà tài trợ đẩy nhanh việc làm thủ tục tiếp nhận, lên phương án điều phối máy tính cho địa phương còn thiếu, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

cong bang giua cac vung mien khi day hoc online anh 2

Học sinh vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn khi học trực tuyến dẫn đến chất lượng học tập còn thấp. Ảnh: Báo Bình Phước.

Chất lượng học tập ở vùng sâu, vùng xa còn thấp

Liên quan công tác tổ chức dạy học dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để dạy học trực tuyến, phát sóng trên truyền hình.

Đối với lớp 1, lớp 2, việc dạy học qua truyền hình được thực hiện với 3 môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh. Bộ cũng đã bước đầu hoàn thành xây dựng, phát sóng 15 video bài giảng các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6.

Các kênh truyền hình tỉnh, thành tiếp sóng, phát lại chương trình dạy học trong khung giờ phù hợp.

Bộ cũng xây dựng chuyên mục hỗ trợ dạy học trực tuyến trên cổng thông tin điện tử để liên kết đến các nguồn học liệu số, bài giảng điện tử, thông tin hướng dẫn lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến, lịch phát sóng dạy học trên truyền hình của tất cả đài trên cả nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí, chất lượng chưa đảm bảo, đường truyền Internet nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.

Hệ thống bài giảng điện tử theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở lớp 9, lớp 12 và ở các môn chính. Bài giảng điện tử của chương trình giáo dục phổ thông mới còn thiếu.

"Chất lượng học tập ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Tình trạng học sinh học không chuyên cần, bỏ học, có nguy cơ bỏ học, tái mù chữ vẫn còn ở một số địa phương", tư lệnh ngành giáo dục đánh giá.

Ông đề nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách để khắc phục khó khăn về hạ tầng, thiết bị kỹ thuật dạy học trực tuyến, tạo điều kiện để học sinh cấp tiểu học, học sinh vùng nông thôn, miền núi, hải đảo được tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.

Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng các bài giảng trực tuyến, trên truyền hình, nhất là bài giảng theo chương trình giáo dục phổ thông mới để cung cấp cho các trường tổ chức dạy học.

Giảm tải chương trình cho học sinh

Cũng theo báo cáo, trước khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã 3 lần chỉ đạo giảm tải chương trình, sách giáo khoa (năm 2006, 2009, 2011).

Khoảng 360 điểm được giảm tải ở các môn. Phần lớn giáo viên biết cách điều chỉnh linh hoạt nội dung, yêu cầu môn học, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp đối tượng học sinh trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá học sinh.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh nhiều nơi chưa thể quay lại trường, phải học trực tuyến, qua truyền hình, bộ ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch bệnh.

Nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng giảm tải chương trình, đảm bảo học sinh được học tập kiến thức cốt lõi, phù hợp quỹ thời gian học tập trực tiếp tại các địa bàn chịu tác động của dịch bệnh.

Bộ hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch nhà trường linh hoạt, tạo sự chủ động, thuận lợi khi tổ chức học tập theo hình thức dạy học khác.

Ngoài ra, địa phương quyết định thời gian kết thúc năm học, đảm bảo an toàn trường học, hoàn thành chương trình năm học, đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục. Thời lượng giảm tải và 2 tuần dự phòng đảm bảo cho các địa phương có từ 1,5 đến 2 tháng dự phòng để tổ chức kế hoạch năm học.

Theo Bộ GD&ĐT, đến nay, cơ sở giáo dục đã triển khai 100% việc tổ chức dạy học nội dung cốt lõi. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục, giáo viên phải xây dựng lại kế hoạch dạy học, giáo án gây ra những khó khăn nhất định trong thời gian đầu năm học.

Một số nội dung sẽ không được tổ chức dạy cho học sinh mà yêu cầu các em tự học, tự nghiên cứu. Học sinh không được làm thí nghiệm, thực hành, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Một số bộ phận giáo viên chưa thực sự thấm nhuần tư tưởng đổi mới, ngại đổi mới, dạy theo nếp cũ, nhồi nhét kiến thức, chưa chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức dạy học để phù hợp, vừa sức học sinh.

Thời gian tới, bộ đưa ra giải pháp tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn cùng thống nhất, triển khai, tổ chức linh hoạt kế hoạch dạy học nhằm hoàn thành sớm năm học để có thời gian bổ sung, ôn tập cho học sinh.

Bộ cũng thực hiện đổi mới đánh giá học sinh, chú trọng kiểm tra, đánh giá theo hướng mở, tăng cường yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm các yêu cầu ghi nhớ máy móc, thuộc lòng nội dung học tập. Bên cạnh đó, bộ sẽ bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên.

Bộ GD&ĐT: Nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như kế hoạch đổi mới giáo dục.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm