![]() |
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Thanh Hùng/VietNamNet. |
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin tới đây Bộ GD&ĐT sẽ bắt buộc các trường THCS và THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, thay vì chỉ áp dụng đối với cấp tiểu học như trước nay.
Để làm rõ thông tin này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT, về vấn đề này:
- Thưa ông, mới đây, ông có chia sẻ về việc Bộ GD&ĐT tính toán tới đây sẽ áp dụng việc dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp THCS và THPT tại một buổi kiểm tra, khảo sát của bộ. Ông có thể giải thích rõ hơn về hướng triển khai này?
TS Thái Văn Tài: Nói bắt buộc theo nghĩa áp dụng đại trà với các trường là không đúng tinh thần mà chúng tôi muốn chia sẻ. Trong định hướng của chương trình phổ thông tổng thể 2018, kế hoạch dạy học có nêu rõ đối với cấp tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, còn THCS và THPT hướng đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Và từ “hướng đến” được tính khi các trường đảm bảo về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Hiện nay, các điều kiện đảm bảo dạy học ở các cơ sở giáo dục đã được nâng lên rõ rệt.
Qua khảo sát thực tế của Bộ GD&ĐT, trường THCS và THPT với tỷ lệ đảm bảo điều kiện 1 phòng học/1 lớp và giáo viên đảm bảo đủ định mức khá cao.
Hiện, trên toàn quốc, trên 60% số trường THCS và trên 80% số trường THPT đủ điều kiện về cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày. Vì vậy, chúng ta phải xét đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đúng nghĩa của nó.
Chính sách vĩ mô hướng đến chất lượng giáo dục. Do đó, việc “bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày” là muốn nói đối với những trường đã đủ điều kiện về cơ sở và giáo viên.
Bởi với những trường hoàn toàn đủ điều kiện đáp ứng mà không tổ chức thì rất phí sự đầu tư của nhà nước, trong khi học sinh phải đi học ở khắp các nơi.
Như vậy, nhằm thực hiện việc khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đúng với chủ trương của chương trình phổ thông 2018 và Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT hướng đến việc hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với THCS và THPT với những trường đủ điều kiện.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn về việc tổ chức dạy học buổi thứ hai trong ngày. Buổi thứ hai này tránh trường hợp giống như Thông tư 17 trước đây mà các trường hiện nay đang làm theo hướng dạy kiến thức hay dạy thêm, học thêm.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn việc dạy học sao cho đúng tinh thần dạy học để phát triển năng lực học sinh. Thay vì trước đây với thời lượng như thế, học sinh học 1 buổi và đến tận 5 tiết; tới đây sẽ giãn ra ở 2 buổi và đáp ứng một số nội dung theo nhu cầu người học và thực tiễn cuộc sống đặt ra như: Năng lực số, AI, hướng nghiệp để các em chọn ngành nghề đúng,...
Như vậy, buổi thứ hai này chủ yếu để đáp ứng các nhu cầu của học sinh mà không phải nặng về kiến thức.
- Đối với các nhà trường đủ điều kiện, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ triển khai việc dạy học 2 buổi/ngày từ khi nào, thưa ông?
Trong tháng 5 này, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn việc dạy học 2 buổi/ngày để cho các trường đủ điều kiện chuẩn bị sẵn sàng cho năm học sau.
Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ trường học đáp ứng điều kiện khá lớn và nếu “đóng cửa trường” thì quá lãng phí. Trong khi nếu để học sinh đi học thêm ở các trung tâm bên ngoài thì chúng ta lại không quản lý được nội dung giảng dạy.
- Không ít phụ huynh băn khoăn, lo ngại khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày lại quay trở về “kịch bản cũ” rằng trường tổ chức liên kết với các trung tâm bên ngoài và phụ huynh tốn kém thêm. Ông nghĩ sao về điều này?
Việc quản lý dạy học theo nhu cầu của người học được thực hiện theo Nghị định 24 năm 2021 của Chính phủ. Theo đó, HĐND các tỉnh phải xác định nội dung nào được đưa vào dạy học trong nhà trường theo nhu cầu của người học, tức quản lý về mặt nội dung và kinh phí. Như vậy, không phải nội dung nào cũng được đưa vào.
Bộ cũng sẽ hướng dẫn các trường tổ chức các tiết học ở buổi thứ hai theo nhu cầu người học như: Dạy học Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai; dạy các nội dung về năng lực số (AI, STEM,...); hướng nghiệp,...
Các tiết học theo nhu cầu người học là một dạng dịch vụ nhưng được kiểm soát, quản lý bởi Nghị định 24 của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND các tỉnh.
Vì vậy, khi tổ chức, cơ sở vật chất của trường, nội dung do nhà trường giám sát, giảm trừ các yếu tố chi phí đầu vào nên chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều so với học sinh đi học ở ngoài.
Phụ huynh, học sinh cũng lưu ý là các tiết học ngoài số giờ chính khóa ở buổi thứ hai này cũng không bắt buộc học sinh phải tham gia.
Tức tinh thần là tạo điều kiện để học sinh có cơ hội học tại trường chứ không hề bắt buộc. Các tiết ngoài số giờ chính khóa được dạy ở buổi thứ hai cũng không phải xếp học sinh theo lớp niên khóa mà theo nhu cầu người học.
Trong trường hợp học sinh không có nhu cầu, không đăng ký thì khi hoàn thành xong số tiết chính khóa vào buổi chiều, các em có thể rời trường về nhà sớm.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.