Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT khẳng định không nhập khẩu chương trình của Phần Lan

Ông Nguyễn Xuân Vang khẳng định trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Thương mại Phát triển Phần Lan không hề nhắc đến việc nhập khẩu chương trình.

Từ ngày 25/8 đến ngày 3/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác của ngành giáo dục thăm và làm việc tại Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, thông tin thêm về buổi làm việc. 

- Dư luận có băn khoăn trước một số thông tin cho rằng trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng GD&ĐT Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Phần Lan có đề cập việc xem xét nhập khẩu chương trình giáo dục của Phần Lan về áp dụng tại Việt Nam. Xin ông cho biết quan điểm chính thức của Bộ GD&ĐT về việc này?

Trước hết, tôi khẳng định trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Thương mại Phát triển Phần Lan không hề nhắc đến việc “nhập khẩu” chương trình giáo dục của Phần Lan.

Hai Bộ trưởng chỉ đặt vấn đề trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác nhằm đưa giáo dục Việt Nam sớm tiệm cận trình độ giáo dục của các nước phát triển như Phần Lan.

nhap khau chuong trinh phan lan anh 1
Ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Moet.

Càng không bao giờ có chuyện chúng ta sẽ mang “nguyên xi” giáo dục Phần Lan hay bất kỳ nước nào về áp dụng vào Việt Nam và cũng không thể làm được. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu những chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến theo hướng có chọn lọc, phù hợp điều kiện triển khai của Việt Nam. Tôi gọi đây là tư duy hội nhập có chọn lọc.

Bộ GD&ĐT đang tổ chức xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong quá trình xây dựng chương trình, việc học hỏi thành công và kể cả thất bại của các nước là cần thiết. Các nước Bắc Âu, đặc biệt Phần Lan, có nền giáo dục tiên tiến. Không chỉ có ta học tập, nhiều nước khác đã đến, học tập nền giáo dục của bạn.

- Sau chuyến tham quan này, ông có thể chia sẻ về những yếu tố làm nên thành công của Phần Lan trong đổi mới giáo dục?

- Thời gian gần đây, Phần Lan được biết đến với những thành công nổi bật về giáo dục phổ thông. Trong kết quả của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng, Phần Lan luôn đứng thứ hạng cao. Đã có hàng trăm đoàn tham quan từ các nước trên thế giới cùng nhiều chương trình, bài báo giới thiệu về những ưu việt của nền giáo dục nước này.

Phần Lan có một hệ thống giáo dục bình đẳng, công bằng, giúp học sinh phát huy hết năng lực của từng cá nhân để sau này hoà nhập dễ dàng với cuộc sống.

Yếu tố đầu tiên và then chốt góp phần vào thành công của giáo dục Phần Lan là giáo viên. Nhà nước đầu tư rất lớn cho giáo viên, xã hội kính trọng thực sự đối với nghề giáo. Giáo viên lương không phải cao nhất nhưng được tôn trọng nhất.

Việc tuyển chọn giáo viên cũng rất khắt khe, tỷ lệ "chọi" là 1/10, phải học 5 năm để có bằng thạc sĩ rồi mới được đi dạy. Giáo viên rất tự hào về nghề nghiệp của mình. Họ được đào tạo bài bản để biết cách khơi dậy tiềm năng của từng cá nhân học sinh.

Yếu tố thứ hai là đầu tư của nhà nước, Phần Lan chi mạnh cho giáo dục.

Yếu tố thứ 3 là những người, tổ chức liên quan như phụ huynh, cơ quan quản lý giáo dục, chính phủ, báo chí… đều ủng hộ giáo dục một cách tích cực, xây dựng.

- Ông có thể nói rõ hơn về chương trình giáo dục của Phần Lan. Việt Nam có thể tham khảo được gì?

- Mặc dù được đánh giá là có nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, nước này vẫn không ngừng đổi mới giáo dục, trên nền tảng vững chắc họ đã xây dựng.

Nhiều điều chúng ta có thể tham khảo, học tập được từ Phần Lan như chính sách về giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, tạo dựng môi trường học tập tốt cho học sinh… nhưng việc ta có áp dụng được những điều mà Phần Lan đang làm hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Ta có thể tham khảo chương trình giáo dục của Phần Lan để chọn những gì phù hợp với Việt Nam, áp dụng đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng. Trong quá trình xây dựng chương trình, việc học hỏi những thành công và kể cả thất bại của các nước là cần thiết.

Thời gian qua, báo chí nêu ý kiến chuyên gia về việc Bộ GD&ĐT nhập khẩu chương trình giáo dục Phần Lan.

Báo Tuổi Trẻ nêu ý kiến của PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam: Những năm gần đây, chúng ta đã “nhập khẩu” nhiều chương trình, với nhiều quy mô khác nhau. Với nhu cầu của xã hội, rất nhiều trường học, tổ chức giáo dục đã chủ động nhập khẩu chương trình, tham gia các cuộc thi, trao đổi giáo viên, chứ không phải chỉ có các chương trình, sản phẩm do Bộ GD&ĐT thực hiện.

"Khi triển khai những chương trình, phương pháp từ bên ngoài, như tôi đã đề cập ở trên, cần thiết phải xét tính phù hợp và khả năng thích ứng của yếu tố văn hóa và con người cũng như các điều kiện triển khai", TS Thơ nói.

TS Hoàng Mai Khanh - khoa Giáo dục, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: "Học cái hay của giáo dục Phần Lan thì quá tốt, nhưng học như thế nào mới là điều đáng nói. Điều này những nhà quản lý giáo dục nên cân nhắc. Theo tôi, nên nhập khẩu chương trình của nước ngoài để học hỏi cái hay của họ nhưng cần điều chỉnh dựa trên triết lý và bối cảnh của mình".

Việt Nam sẽ nhận được gì nếu 'nhập khẩu' giáo dục Bắc Âu?

Điểm chung của nền giáo dục ở các nước Bắc Âu là chính phủ hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, sinh viên và thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm thay vì 12 năm.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm