Sau khi dư luận bức xúc về SGK độc quyền và lãng phí nhiều năm, ngày 24/9, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ra chỉ thị về việc học sinh không viết, vẽ vào sách, gây lãng phí.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền. Đồng thời, các cơ sở hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng chỉ thị này khó khăn trong quá trình giảng dạy, thậm chí có phần bất khả thi với sách giáo khoa được thiết kế như hiện nay. Bộ ra chỉ thị như thế đã vi phạm đến quyền sở hữu tài sản của học sinh.
Học sinh lớp 3 viết vào sách giáo khoa. Ảnh: Q.Q. |
Chiều 28/9, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho rằng dư luận chưa hiểu đúng về chỉ thị trên của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nên có nhiều ý kiến trái chiều.
Theo ông Thành, Bộ GD&ĐT ra chỉ thị trên nhằm yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh hạn chế việc viết vào sách chứ không cấm hoàn toàn. Đây không phải yêu cầu bắt buộc mà chỉ khuyến khích giáo viên thực hiện phương pháp dạy học tích cực và hướng dẫn để học sinh không chỉ biết giữ gìn, bảo quản sách, mà còn có ý thức tốt trong việc sử dụng sách lâu dài.
"Học sinh không viết vào sách giáo khoa khi làm bài tập không có nghĩa các em phải chép toàn bộ mẫu bài tập vào vở. Sách giáo khoa ở một số môn khoa học tự nhiên có bảng số liệu để trống, đây là mẫu. Trong quá trình học, các em phải được giáo viên hướng dẫn làm “nháp” trước để có thể biết đáp án đúng hay sai, rồi sau đó ghi vào vở", ông Thành nói.
Chỉ thị của Bộ trưởng GD&ĐT ngày 24/9 về không viết, vẽ vào sách giáo khoa. |
Mặt khác, ông Thành cũng cho biết khi biên soạn sách giáo khoa, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh làm các thí nghiệm, xây dựng hệ thống bài tập đa dạng nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp từng phần nội dung, kiến thức.
Do vậy, trong quá trình dạy học, giáo viên cần sử dụng các dạng bài tập đó xem như là tình huống để tổ chức thảo luận, hướng dẫn học sinh ghi vào vở phương án trả lời dự kiến; giải thích lý do lựa chọn để trình bày, thảo luận và đưa ra phương án đúng.
Cụ thể, sách giáo khoa có bài tập yêu cầu nối ô chữ với hình ảnh. Khi dạy, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh xem bài tập và ghi vào tập vở đáp án mà các con lựa chọn. Sau đó, học sinh sẽ phải giải thích tại sao mình lại lựa chọn nối như thế.
Thiết kế sách Toán lớp 1. Ảnh: M.T. |
Cũng theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, chỉ thị trên không chỉ hướng vào sách giáo khoa mà còn đề cập vấn đề sử dụng sách tham khảo.
Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21 năm 2014 của bộ về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo, khiến học sinh phải mua quá nhiều sách tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, lãng phí.
Sau khi khẳng định SGK có thể sử dụng nhiều lần, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thừa nhận sách gây lãng phí và sẽ điều chỉnh. Tiếp đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa lâu dài, học sinh không viết, vẽ vào SGK.
Chỉ thị số 3798 ngày 24/9 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ:
"Để nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần, Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương chỉ đạo giáo viên tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn tại Công văn số 6167/TH ngày 19/7/2002, Công văn số 7590/GDTH ngày 27/8/2004, Công văn số 2372/BGDDT-GDTrH ngay 11/4/2013 của Bộ GD&ĐT;
Tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại lâu bền;
Hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết vẽ vào sách giáo khoa".