- Ông có thể tư vấn cách nộp hồ sơ để học sinh nhiều cơ hội trúng tuyển đại học?
- Ngay từ bây giờ, các em phải tính toán để có thể trúng tuyển ngay nguyện vọng (NV) 1. Đây là giai đoạn quan trọng, bởi các trường dành đến 70% chỉ tiêu tuyển sinh dành cho đợt này.
Đối với NV1, thí sinh chỉ được đăng ký vào một trường, tối đa 4 nguyện vọng, theo thứ tự từ 1-4. Trong đợt xét tuyển đầu tiên này, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng hoặc rút hồ sơ.
Tuy nhiên, các em cần lưu ý, rút hồ sơ là việc tương đối khó khăn. Có phụ huynh hỏi tôi rằng: Nếu ngày 20 hết hạn nộp hồ sơ, con ở vị trí gần cuối cùng thì có giữ nguyên nguyện vọng hay rút? Câu hỏi này rất khó trả lời. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh tình trạng khó xử bằng cách thức chọn trường.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa tư vấn cho học sinh. Ảnh: Quyên Quyên. |
- Ông có thể chia sẻ về cách thức chọn trường để tránh rủi ro?
- Cơ sở chọn trường là ngành nào điểm cao thường điểm sẽ... tiếp tục cao. Trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của những năm trước đó. Các em nộp hồ sơ theo nguyên tắc: Điểm càng lệch theo chiều hướng tăng so với những năm trước càng xa thì nguyên tắc an toàn càng cao.
Học sinh nên lưu ý phải tận dụng tối đa 4 ngành trong một trường để đảm bảo độ an toàn của mình. Các ngành theo thứ tự từ 1-4, học sinh tính toán về độ an toàn sao cho đảm bảo.
Ví dụ: Ngành thứ nhất có thể mình yêu thích, ngành thứ hai gần sát với điểm chuẩn, ngành thứ ba sát với điểm chuẩn… so với năm ngoái. Học sinh không nên vội vã rút hồ sơ mà lựa chọn kỹ và “chiến đấu” đến cùng.
Thậm chí, những em chỉ đạt điểm sàn trở lên là 15-16 điểm, có thể chọn ngành đại học và cao đẳng vào cùng một trường để đảm bảo sự an toàn.
Với cách đăng ký hồ sơ xét tuyển này, học sinh hoàn toàn có thể yên tâm đỗ đại học, cao đẳng. Theo tôi, thí sinh năm nay rất khó trượt đại học. Nếu trượt là do cách tính toàn của các em sai lầm, hoặc quyết định chỉ học những trường mình yêu thích.
- Hiện tại các trường đã công bố danh sách tạm thời trúng tuyển. Danh sách này có ý nghĩa như thế nào?
- Đây chỉ là tính toán của các trường để có thể cung cấp danh sách tạm thời trúng tuyển. Danh sách này không có ý nghĩa trúng tuyển chính thức, còn thay đổi theo ngày.
- Một số trường công bố không tuyển nữa vì đủ chỉ tiêu, PGS cho biết thêm về điều này?
- Bộ GD&ĐT đã quy định thời gian nộp NV1 trong 20 ngày. Nếu trường nào công bố đủ hồ sơ và không tuyển thêm nữa là sai quy định.
Tôi chắc chắn rằng, không có trường nào làm điều này bởi thêm nguyện vọng là thêm người giỏi. Việc một số trường giữ nguyện vọng cũng đã được Bộ GD&ĐT cảnh cáo.
- Sau kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD&ĐT có hướng đến không còn kỳ thi nào như mô hình nước ngoài?
- Việc đổi mới thi cử phải gắn liền chương trình đổi mới SGK. Để có kỳ thi THPT quốc gia năm nay, chúng tôi phải tham khảo mô hình của các nước.
Tuy nhiên, để hướng đến việc không còn kỳ thi nào phụ thuộc nhiều yếu tố như xã hội, truyền thống riêng của các nước. Ví dụ, các nước Bắc Âu, châu Mỹ, Tây Âu đều có cách thức thi khác nhau.
- Năm nay nếu thí sinh trượt cả 4 nguyện vọng thì năm sau có phải thi lại từ đầu không?
- Nếu em trượt cả 4 nguyện vọng thì quá sai lầm, làm theo cách tính toán như tôi hướng dẫn không thể sai được. Kỳ thi THPT quốc gia chỉ bảo lưu cho kỳ thi tốt nghiệp, còn đại học phải thi mới hoàn toàn.
- Định hướng cách thức tuyển sinh năm 2016 như thế nào?
- Kỳ thi tuyển sinh năm 2016 về cơ bản vẫn giữ nguyên như kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi sẽ điều chỉnh nhất định để có lợi cho học sinh.
Tôi khẳng định không có chuyện đưa môn thi Giáo dục Công dân vào kỳ thi tuyển sinh năm 2016, bởi việc thi tích hợp sẽ thay đổi nhưng không phải 1-2 năm là làm được.
18h30 ngày 5/8, chương trình tư vấn xét tuyển vào đại học, cao đẳng 2015, do báo Sinh Viên Việt Nam, Hoa học trò tổ chức.
Buổi giao lưu có sự tham gia của ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT, đại diện trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Cảnh sát Nhân dân…