Bộ GD&ĐT vừa có thông tư ban hành Quy chế công tác sinh viên đại học chính quy thay thế cho quy định từ năm 2007. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25/5 với 10 hành vi sinh viên không được làm.
Một trong số đó là không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy… vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet.
Tùy theo mức độ vi phạm, sinh viên bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, sinh viên được giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên trao đổi với Zing.vn xung quanh nội dung đang gây xôn xao dư luận này.
- Vì sao Bộ GD&ĐT quyết định đưa nội dung cấm sinh viên đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia... trên mạng xã hội vào quy chế, thưa ông?
- Việc ban hành quy định này nhằm cụ thể hóa các quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Công nghệ thông tin và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (điều 5. Các hành vi bị cấm).
Thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành. |
- Theo đánh giá, quan sát của ông, việc lạm dụng mạng xã hội đã ở mức đáng lo ngại, thậm chí báo động với nền giáo dục chưa?
- Đánh giá được mức độ lạm dụng mạng xã hội cần phải có khảo sát cụ thể. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với người sử dụng là vấn đề lo ngại của toàn xã hội, trong đó có ngành giáo dục.
Hiện nay, hầu hết sinh viên đều biết và sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội Facebook. Cũng như nhiều tiện ích khác trên mạng Internet, mạng xã hội là phương tiện hữu hiệu để sinh viên tiếp nhận và chia sẻ thông tin phục vụ cho việc học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng mạng xã hội vì những động cơ, mục đích không lành mạnh sẽ tác động tiêu cực với sinh viên, ảnh hưởng phẩm chất, đạo đức lối sống học sinh, sinh viên.
Vì vậy, tăng cường công tác quản lý, giáo dục, tuyên truyền nhằm hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên là cần thiết.
- Làm thế nào để quy định trên đi vào thực tế trong bối cảnh rất khó kiểm soát các nội dung, chủ tài khoản mạng xã hội như Facebook, cũng như khó định rõ các khái niệm trong quy định trên?
- Bộ GD&ĐT chỉ quy định khung. Các trường có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp quy chế của Bộ và thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Việc xử lý từng trường hợp cụ thể do hiệu trưởng xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của Hội đồng khen thưởng và kỷ luật sinh viên. Mục đích chính của việc ban hành quy định là quán triệt, tuyên truyền trong sinh viên nhằm phòng ngừa vi phạm.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, nhà trường cần phối hợp cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Nhiều người nêu quan điểm chúng ta không quản được thì cấm?
- Việc quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm cụ thể hóa các quy định của Luật Giáo dục, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc trong các nhà trường, nhằm phát huy tích cực và hạn chế tiêu cực của mạng xã hội.
Học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đương nhiên, khi học sinh, sinh viên vi phạm, nhà trường cũng có những chế tài xử lý, nhằm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
- Ngoài việc đưa vào quy chế, Bộ GD&ĐT còn có giải pháp nào khác để kiểm soát việc học sinh, sinh viên đăng tải, bình luận những điều không được phép đã nêu trên?
- Ngoài việc đưa vào quy chế, Bộ GD&ĐT đã và đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, giáo dục tuyên truyền trong học sinh, sinh viên về việc khai thác, sử dụng hiệu quả mạng Internet trong việc học tập và rèn luyện.
Trong đó, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là những quy định về khai thác, quản lý, sử dụng dịch vụ Internet, mạng xã hội; tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống trong học sinh, sinh viên; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục và phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cư dân mạng tranh luận
“Thế nào là dung tục?” là câu hỏi của Nguyễn Phi Long băn khoăn trên mạng xã hội. “Nói xấu giáo viên nhưng không kèm từ bậy có là dung tục? Kể câu chuyện hài hước, kèm từ đệm, nhưng không nhằm vào ai hay xúc phạm ai, có dung tục? Tôi nghĩ quy định không rõ ràng thế này sẽ khó thực hiện”.
Trong khi đó, thành viên Nguyễn Văn Thìn bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của Bộ GD&ĐT vì “việc cấm học sinh, sinh viên đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung có tính chất dung tục, bạo lực, đồi trụy và các nội dung khác có liên quan là phải, hợp đạo lý của dân tộc ta, đã có từ xưa đến nay”.
Nhưng bạn cũng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT nên chỉ rõ thế nào là lời lẽ dung tục để văn bản có tính khả thi, tránh việc mỗi trường hiểu một nghĩa khác nhau, khó giải quyết tận gốc vấn đề.
Facebook Thu Hà chia sẻ quan điểm Quy định cấm sinh viên bình luận, chia sẻ bài viết dung tục trên mạng là không hợp lý. Hà cho rằng Bộ GD&ĐT cần dạy cho học sinh, sinh viên hiểu biết về pháp luật và tuân thủ luật pháp, đạo đức làm người.
“Những điều Quy định này đã được luật pháp Việt Nam quy định cụ thể rồi. Nên việc cần nhấn mạnh tại sao vẫn có các hiện tượng xấu như đã nêu, vì sao còn tồn tại, nên giải quyết như thế nào… thì mới gỡ được vấn đề. Hãy tập trung vào giáo dục, định hướng tư duy, nhận thức của sinh viên về cái đúng, cái thiện. Còn hành chính, mệnh lệnh hoá thì không giải quyết được gì, thậm chí còn gây ra sự phản kháng, đối đầu không đáng có”, Thu Hà viết.