- Ông đã xem clip học sinh đánh bạn ở Trà Vinh?
- Tôi đã nắm bắt được vụ việc thông qua các cơ quan báo chí. Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở Giáo dục Trà Vinh báo cáo rõ sự việc và hướng xử lý.
- Xin ông cho biết quan điểm và trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc để xảy ra tình trạng bạo lực học đường?
- Bộ GD-ĐT rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo việc giáo dục, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, trong đó có tình trạng học sinh đánh bạn; ban hành các quy định về quản lý học sinh, sinh viên, điều lệ nhà trường...
Vụ trưởng Vụ công tác HSSV, Bộ GD-ĐT Ngũ Duy Anh. |
Hàng năm, Bộ đều có chỉ đạo các nhà trường tăng cường giáo dục pháp luật, lối sống, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường thông qua các hoạt động chính khóa hoặc ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, chúng tôi chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao lành mạnh nhằm thu hút học sinh tham gia.
Tuy nhiên, học sinh là lứa tuổi mới lớn, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nên cần có sự phối hợp tích cực giữa nhà trường, gia đình và xã hội để có biện pháp giáo dục kịp thời.
Sự việc xảy ra ở Trà Vinh rất đáng tiếc. Đáng tiếc hơn là hơn 2 tháng sau khi sự việc diễn ra mà nhà trường chưa biết.
Điều này cho thấy nhà trường thiếu sát sao trong việc quản lý, nắm tình hình học sinh.
Được biết ngay sau khi clip và thông tin sự việc được báo chí nêu, UBND tỉnh đã có cuộc họp chỉ đạo xử lý nhanh. Điều đó thể hiện sự chỉ đạo rất kịp thời của địa phương.
Tùy vào mức độ vi phạm của học sinh, đối chiếu với các quy định hiện hành, nhà trường sẽ có hình thức xử lý phù hợp mang tính chất răn đe, giáo dục.
Trường cũng cần rút kinh nghiệm trong việc quản lý, giáo dục học sinh; trong việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình trong giáo dục các em trong độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Phải theo dõi các biểu hiện hàng ngày của các em để kịp thời có biện pháp can thiệp.
- Theo ông, đuổi học học sinh có phải là biện pháp mang tính giáo dục giúp các em tiến bộ hơn?
- Đối với các cháu học sinh, nhất là các cháu đang ở độ tuổi mới lớn cần cân nhắc, thận trọng hình thức xử lý kỷ luật .
Hình thức xử lý kỷ luật cần phù hợp, mang tính giáo dục răn đe để các cháu tiến bộ.
Tôi tin, nhà trường sẽ xem xét thấu đáo vụ việc, có hình thức kỷ luật học sinh liên quan đảm bảo nghiêm minh và mang tính giáo dục cao.
Ảnh cắt ra từ clip. |
- Trong sự việc này, từ nạn nhân đến các em đánh bạn có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Nhưng có thể thấy các em gặp nhiều thiếu thốn tình cảm ở gia đình. Ông có chia sẻ gì với gia đình trong giáo dục con cái?
- Nhà trường có trách nhiệm quan trọng trong giáo dục học sinh. Nhưng gia đình là trường học đầu tiên của các cháu.
Tình cảm, sự quan tâm của bố mẹ vô cùng quan trọng.
Tôi được biết em học sinh bị đánh nhưng về không dám chia sẻ với gia đình. Phải làm sao để gia đình thực sự là tổ ấm, nơi các em có thể chia sẻ với bố mẹ cả những điều thầm kín, khó nói nhất.
Hiện nay, một số gia đình, học sinh ít có cơ hội để chia sẻ, tâm sự với bố mẹ do bố mẹ không có thời gian dành cho con cái.
Qua đây cũng thấy công tác tư vấn tâm lí học đường còn khó khăn. Nếu làm tốt sẽ giải tỏa tâm lí cho các cháu ở độ tuổi mới lớn
- Theo ông, tình trạng bạo lực học đường hiện nay đã đến mức báo động?
- Để khẳng định điều này cần có khảo sát, nghiên cứu. Từ hiện tượng mà có kết luận thì chưa thực sự chính xác. Tuy nhiên, đây là vấn đề ngành giáo dục thực sự quan tâm.
Hiện nay, Bộ đang phối hợp với với TƯ Đoàn TNCSHCM và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống và bồi dưỡng lí tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2015-2020”.
Ngành giáo dục cần sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đặc biệt là phòng chống bạo lực học đường.