Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Thế Bằng. |
Chiều 28/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Kỳ thi năm nay kết thúc với nghi vấn lộ đề Ngữ văn, Tiếng Anh và đề Toán tại một hội đồng thi bị mờ, đề Lịch sử có câu khó xác định đáp án.
Đảm bảo quyền lợi thí sinh nếu đề Toán mờ
Theo thông tin phản ánh, tại hội đồng thi tỉnh Đắk Lắk, đề thi môn Toán, mã đề 119 bị in lỗi cả về văn phong tiếng Việt, ký hiệu Toán, đáp án.
Đề thi Toán được phản ánh bị lỗi. |
Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về thi tốt nghiệp THPT 2024, thông tin ban chỉ đạo thi quốc gia đã nắm được thông tin và giao cho ban chỉ đạo thi tỉnh Đắk Lắk có hướng xử lý.
"Nếu đề thi có lỗi thật, ban chỉ đạo thi sẽ có phương án xử lý theo quy định. Phương châm là đảm bảo quyền lợi của thí sinh", thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định.
Ngoài đề Toán, đề Lịch sử cũng gây phân vân. Cụ thể, với câu 40 của đề thi 319, một số giáo viên đưa đáp án khác nhau và khó xác định đâu là câu trả lời đúng.
Ông Hà cho biết Bộ GD&ĐT mới nhận được thông tin này. Đơn vị sẽ trao đổi và cập nhật thông tin khi cần thiết.
Tiếp tục khẳng định không lộ đề
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, sau buổi thi môn Ngữ văn, mạng xã hội nghi ngờ đề thi chính thức có phần giống với thông tin đề thi nghi bị lộ lan truyền trên mạng. Bộ GD&ĐT sau đó đã có thông tin phản hồ. Tuy nhiên, sau buổi thi môn này, nghi vấn lộ đề lại được đặt ra khi đề chính thức có một số chỗ trùng với thông tin được đăng trên mạng trước đó.
“Sau buổi thi, Bộ GD&ĐT có tiếp tục xác minh vấn đề này nữa không. Ngoài ra, với kỳ thi năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng ngữ liệu bên ngoài hay ngữ liệu trong sách giáo khoa. Thứ ba, việc hướng dẫn chấm thi có đủ độ linh hoạt để chấp nhận những quan điểm trái chiều, có phần khác biệt của thí sinh hay không?”, phóng viên đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban đề thi tốt nghiệp THPT 2024, khẳng định không có chuyện lộ đề thi. Với môn Ngữ văn, phần ngữ liệu và lệnh hỏi ở đề thi chính thức không hoàn toàn giống với thông tin lan truyền trên mạng.
Về vấn đề chấm thi, theo ông Hà, việc chấm thi có hướng mở. Nếu học sinh có bài làm khác biệt với hướng dẫn chấm, các em vẫn được xem xét để cho điểm.
Với đề thi môn Tiếng Anh, thông tin trên mạng cho rằng 7 câu ở bài đọc hiểu sẽ lấy từ một trang báo lớn của Mỹ đăng vào ngày 28/5. Có phản ánh cho rằng nội dung đề thi chính thức đúng là được lấy ngữ liệu từ một trang báo của Mỹ, chỉ khác thời gian.
Ông Hà phản hồi đối với đề thi nói chung và đề thi môn Tiếng Anh nói riêng, ngữ liệu được sử dụng phải tin cậy, đảm bảo chất lượng về nội dung, văn phong, ngữ pháp. Hai nguồn trích dẫn cơ bản là trong sách và tạp chí, báo lớn.
“Vì vậy, ngữ liệu từ báo xuất hiện trong đề thi là việc rất bình thường", theo ông Hà.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định không lộ đề. Ảnh: Moet. |
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng thông tin ngay khi nhận được phản ánh có thông tin lộ đề thi trên mạng xã hội, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc xác minh.
“Tôi khẳng định không lộ đề thi và đề thi chính thức không trùng với thông tin trên mạng xã hội. Qua quá trình chấm thi, phúc khảo, nếu có vấn đề liên quan, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra để bảo đảm nghiêm túc, công bằng, khách quan", ông Thưởng khẳng định.
Cũng theo ông Thưởng, việc chấm thi môn Ngữ văn yêu cầu phát huy sự sáng tạo vấn đề khó với giám khảo. Để đạt được điểm cao, bài làm phải có sự đột phá đặc biệt, được ít nhất 2 giám khảo công nhận.
Ngoài ra, thứ trưởng thông tin ngữ liệu đề thi môn Ngữ văn năm 2025 chắc chắn sẽ khác so với chương trình cũ bởi chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều bộ sách giáo khoa.
“Đề thi cũng có thể sử dụng ngữ liệu bên ngoài để hạn chế học tủ, học lệch, đoán đề hay dùng văn mẫu", theo thứ trưởng.
Ông Hà nói thêm đề thi năm nay có những đổi mới, nội dung đề được đánh giá hay hơn, sát thực tiễn. Đây là quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Cấu trúc đề không đổi nhưng cách thức ra đề thực sự đã gắn với thực tế, mang tính gợi mở, phát triển. Đây là bước đệm để thí sinh thi năm 2025 tránh bị bỡ ngỡ bởi các em học cả chương trình cũ và mới tiếp cận chương trình mới.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT có còn phù hợp?
Một số thông tin cho rằng vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại chỉ mang tính hình thức khi nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm vào các đại học từ trước khi kỳ thi diễn ra.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, nhận định kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện theo Luật Giáo dục 2019 và chỉ đạo của Chính phủ với 3 mục tiêu là xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học và đánh giá việc dạy và học cho từng vùng miền khác nhau để có chiến lược đầu tư chính sách. Qua thống kê, khoảng 45-60% trường sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học.
“Chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng đề thi đánh giá năng lực học sinh. Vì vậy, các trường đại học vẫn có thể dùng điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển”, ông Chương thông tin.
Còn theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD&ĐT và toàn ngành giáo dục đã và đang thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc đổi mới kỳ thi, gồm các mục tiêu là giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để các trường sử dụng xét tuyển đại học, cao đẳng.
Bộ GD&ĐT từng bước nâng cao độ phân hóa đề. Các trường đại học vẫn dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Thời gian tới, bộ sẽ thảo luận, yêu cầu các trường đại học nghiên cứu, xem xét tăng tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn đảm bảo tính tự chủ của các trường.
“Nhìn chung, Bộ GD&ĐT không lo lắng về vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT vì vẫn đáp ứng đủ yêu cầu", ông Thưởng khẳng định.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66% tổng số thí sinh; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.373, chiếm 5,34%. Tổng số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%.
Đúng 8h ngày 17/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi. Thí sinh có thể tra cứu điểm thi bằng cách đăng nhập vào phần mềm quản lý thi theo tài khoản đã được cấp hoặc tra cứu trên cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT và của Bộ GD&ĐT.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.