Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bộ GD&ĐT phải kiểm điểm về con số 200.000 sinh viên thất nghiệp'

TS Lê Viết Khuyến cho hay Bộ GD&ĐT phải kiểm điểm liên quan con số 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp vì đây là sự lãng phí lớn.

Trường đại học phải có trách nhiệm với sản phẩm đào tạo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp để khắc phục thực trạng sinh viên ra trường thất nghiệp.

Sáng 6/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Quốc hội, đề cập thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Bộ trưởng hứa giải quyết sinh viên thất nghiệp, nay đã làm được gì?

Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục về chất lượng đào tạo đại học. Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) nêu câu hỏi 200.000 sinh viên thất nghiệp là rất lãng phí, bộ trưởng đưa ra giải pháp nào cho vấn đề này?

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: Bộ trưởng đã hứa giải quyết tình trạng sinh viên thất nghiệp, nay đã làm được gì?

Ông Phùng Xuân Nhạ cho hay thực trạng hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp "là có thật" và gốc của vấn đề nằm ở chất lượng giáo dục. Bộ trưởng thừa nhận thời gian qua, chất lượng đào tạo giáo dục chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông, chưa thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục.

bo truong chat van 200.000 sinh vien that nghiep anh 1
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 6/6. Ảnh: Quân Minh. 

Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng còn hạn chế. Số lượng công trình, bài báo, các phát minh sáng chế, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao chưa tương xứng tiềm năng.

Một số trường đại học chưa đảm bảo đủ điều kiện về chất lượng theo đề án thành lập, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, khó tuyển sinh. Những trường này cũng không đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ GD&ĐT thừa nhận chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là sau đại học, liên kết, liên thông…, nên còn một lực lượng lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động.

Theo Bộ trưởng GD&ĐT, tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở Việt Nam trên dưới 4%.

Nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này, tỷ lệ không quá lớn (năm 2017 gần 3% đến 4,5%, chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động). Đây cũng là tình trạng chung của các nước trên thế giới.

Nguyên nhân một phần là cơ chế chính sách về giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập; chưa tạo động lực khởi nghiệp, lập nghiệp; chưa đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng yêu cầu. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ thấp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao.

Để giải quyết căn cơ vấn đề trên, ông cho hay sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh đó, bộ tăng cường đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Trường đại học không chỉ có trách nhiệm tuyển sinh đầu vào mà còn phải quan tâm đầu ra, có trách nhiệm với sinh viên mình đào tạo cũng như thị trường lao động.

"Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm chứ không nặng về tiền kiểm như trước nữa", ông Nhạ nói.

"Chúng ta đang ở nền giáo dục 0.4 chứ không phải 4.0"

Ngay sau phần báo cáo và trả lời chất vấn của tư lệnh ngành giáo dục, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, nêu quan điểm về con số 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp nói riêng và chất lượng giáo dục đại học nói chung.

Ông Khuyến cho rằng đào tạo cử nhân, kỹ sư thất nghiệp tạo ra sự lãng phí với xã hội, và có nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ từ phía ngành giáo dục.

“Để lãng phí đội ngũ lao động là tội, Bộ GD&ĐT và các bộ ngành khác liên quan phải kiểm điểm vì cùng có trách nhiệm trong cơ chế tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Nếu không nhận trách nhiệm mà mãn nguyện với tình hình này, đất nước sẽ mãi nghèo đói. Chúng ta có đến 84% lao động chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đồng nghĩa lao động đơn giản. Vị trí của chúng ta đang là cách mạng 0.4, khoan hãy nói đến chuyện to lớn là cách mạng 4.0”, TS Khuyến nêu quan điểm cá nhân.

Theo nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, từ lâu, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng nước ta nên đào tạo theo chiều rộng, để dễ tìm kiếm việc làm nhưng không được chấp nhận, xu hướng của các trường vẫn là đào tạo theo chiều sâu, rất khó xin việc.

Là thành viên Ban Hỗ trợ Chất lượng giáo dục Đại học thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, TS Lê Viết Khuyến nói việc phân luồng rất quan trọng vì nó giúp học sinh sớm định hướng được tương lai, nghề nghiệp chứ không phải cứ học mãi một con đường lên đại học rồi thất nghiệp như những năm qua.

Ông Khuyến ví dụ ở Đài Loan (Trung Quốc), học sinh tốt nghiệp THCS trong năm khoảng 33.000, chỉ có 1/3 vào THPT để thi đại học, 2/3 số còn lại lựa chọn học nghề. Điều này, khiến xã hội cân bằng được nguồn lực lao động, vừa có lực lượng tri thức, nghiên cứu vừa có nhân lực làm thợ, làm nghề. 

Giáo dục Việt Nam hiện tại nên chú trọng đi theo hướng trung học nghề thay vì cao đẳng. Trình độ cao đẳng nên chú trọng trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

bo truong chat van 200.000 sinh vien that nghiep anh 2
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 6/6. Ảnh: Minh Quân.

Đại học Việt Nam đang ở đâu?

Liên quan chất lượng giáo dục đại học, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu băn khoăn khi Việt Nam có 300 đại học, nhưng chỉ 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. Bà đặt câu hỏi "giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng châu Á?".

Ông Phùng Xuân Nhạ thông tin hiện nay, so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học còn thấp, chưa có trường nào vào bảng xếp hạng danh tiếng. Gần đây, 5 trường được vào nhóm 400 của châu Á. Theo thông tin ông Nhạ mới biết, 2 đại học của Việt Nam lọt vào danh sách 1.000 trường tốt nhất thế giới.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT tăng cường kiểm định, đồng thời thực hiện xếp hạng các trường với nhau và xếp hạng giữa trường trong nước với quốc tế. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ đầu tư vào trường xuất sắc.

Bộ trưởng cũng thừa nhận chất lượng đào tạo đại học còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là khi Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

"Nguyên nhân có nhiều nhưng trước hết là chương trình đào tạo chưa sát yêu cầu của thị trường. Chương trình học chủ yếu được thầy cô xây dựng dựa trên hiểu biết chứ không xuất phát từ thực tế. Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính còn nhiều vấn đề…", ông Nhạ nêu lý do.

Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo Bộ Giáo dục dẫn ra để lý giải chất lượng giáo dục đại học còn hạn chế là mức học phí. Ông Nhạ cho rằng mức học phí tại Việt Nam thấp và "đồng tiền đi liền chất lượng".

"Ở nước ta, học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi con số này ở Mỹ là 19.000 USD, Trung Quốc 3.500 USD... Chi phí thấp nên chất lượng đại học khó mong đợi cao", bộ trưởng nói.

ĐH chất lượng thấp có thể phải giải thể

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đặt câu hỏi nền giáo dục đại học của chúng ta thực sự đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực, của châu Á và thế giới? Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam?

Nhiều đại biểu khác cũng quan tâm, chất vấn về giáo dục đại học. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) bày tỏ những trường đại học kém chất lượng, không tuyển sinh được thì Bộ GD&ĐT tính sao?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng nhiều giảng viên đại học dạy chay, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu vấn đề chưa có lộ trình để các trường đại học tự chủ hoàn toàn, nhất là không còn cơ chế bộ chủ quản, Bộ GD&ĐT lúc đó chỉ thuần túy là quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về chất lượng có một số trường, nhóm ngành tốt, nhưng cơ bản thì giáo dục đại học chưa đạt yêu cầu, đặc biệt trong thời đại 4.0.

Nguyên nhân trước hết là nội dung, chương trình còn lạc hậu, chủ yếu là thầy cô xây dựng, chứ chưa dựa vào nhu cầu của thị trường. Chúng tôi tham khảo các nước, tỷ lệ tiến sĩ ở các trường đại học là 60%-70%, trong khi ở ta mới chỉ 22%-23%. Cơ sở vật chất còn hạn chế. Học phí rất thấp so với các nước.

Về phương án cải tiến chất lượng trong thời gian tới, ông Phùng Xuân Nhạ cho hay bộ cố gắng không đầu tư dàn trải. Một số trường được đầu tư trọng điểm, hướng tới xã hội hóa, trong khi những trường chất lượng vừa phải có thể phải xem xét sáp nhập, giải thể.

Bộ trưởng Giáo dục nhận trách nhiệm về yếu kém

Báo cáo Quốc hội trước khi bước vào phần chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói thời gian qua ngành giáo dục đã đạt được những thành tựu... Tuy nhiên, ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót, có nhiều vấn đề gây bức xúc, chưa đạt kỳ vọng của cử tri.

“Với tư cách là người đứng đầu ngành, tôi xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót này, lắng nghe sự đóng góp ý kiến để làm tốt hơn nhiệm vụ của ngành”, ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn 3 vấn đề nóng của giáo dục

Sáng 6/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm