Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT phản hồi về công ty tư nhân xin mở đại học Y Dược

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, việc mở trường đào tạo Y Dược không phân biệt công lập hay tư thục. Còn Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội nói, đào tạo hai ngành này chất lượng không đơn giản.

Mới đây, UBND TP HCM có công văn gửi Bộ GD&ĐT đề xuất cho Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shanggri-la được thành lập Đại học Y Dược quốc tế Hoa Lâm.

Sau khi xem xét dự án đầu tư thành lập trường và được sự đồng thuận của Sở GD&ĐT TP HCM, UBND TP HCM cho rằng, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shanggri-la đủ điều kiện về đất đai, nhân sự và nguồn vốn đầu tư xây dựng Đại học Y Dược quốc tế Hoa Lâm.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Quyên Quyên.

Không phân biệt trường công - tư

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho biết: Việc thành lập trường, Bộ GD&ĐT dựa trên quy định chung, không căn cứ đó là trường công hay tư. Trước tiên, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét về hạn mức quy hoạch và quy hoạch đào tạo nhân lực Y tế theo quyết định 816. Nếu đầy đủ các điều kiện, Bộ GD&ĐT sẽ có những căn cứ làm việc tiếp theo.

Cũng theo vị đại diện của Bộ GD&ĐT này, hiện có 21 trường đào tạo ngành Y, trong đó 14 trường đa ngành và 5 cơ sở ngoài công lập. Trong số 26 trường đào tạo Dược học, 14 trường ngoài công lập và 16 trường đa ngành.

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cho biết, Việt Nam có 90 triệu dân nhưng chưa đến 21 trường đào tạo Y Dược (cả công lập và tư thục). Trong khi đó, bản đồ đào tạo bác sĩ trên thế giới có tỷ lệ cứ 2-3 triệu dân có một trường đào tạo ngành Y.

Nước Mỹ có 151 trường Y trên 300 triệu dân, Nhật Bản có 80 trường Y trên 125 triệu dân, Pháp có 32 trường Y trên 65 triệu dân.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội - số trường đào tạo Y Dược của Việt Nam còn ít so với thế giới, nhưng để đào tạo ngành này rất khó khăn. 

Ông Hinh cho biết, Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 1902, sau đó Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y Hải Phòng đều là phân hiệu của Đại học Y Hà Nội. Riêng Đại học Y Hải Phòng phải mất 20 năm mới “đủ lông cánh” tách riêng.

Cũng liên quan vấn đề chất lượng đào tạo, bà Phụng thông tin thêm, năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT cho dừng 6 cơ sở đào tạo không đủ điều kiện. Đầu năm 2016, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế sẽ kiểm tra việc đào tạo của ngành Y Dược để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng. Phương thức kiểm tra là xác suất hoặc tổng thể với cả quy mô trường công lập và tư thục.

"Về lộ trình, chúng tôi sẽ xem xét trường nào cần kiểm tra trước và có kế hoạch cụ thể phối hợp giữa hai Bộ; sau đó sẽ có khuyến cáo cụ thể và đề xuất để các trường đảm bảo chất lượng đào tạo", ông Nguyễn Minh Lợi - Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế khẳng định.

Đề xuất có chứng chỉ hành nghề Y

Ông Nguyễn Minh Lợi cũng cho hay, chứng chỉ hành nghề Y Dược (tức đầu ra) là vấn đề được Bộ Y tế quan tâm từ lâu. Sắp tới, Bộ này sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội về việc sửa luật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề Y quốc gia.

Đây là một trong những biện pháp góp phần hậu kiểm chất lượng đào tạo, nhằm giám sát để đảm bảo chất lượng làm việc tại các cơ sở y tế.

d

Ông Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. Ảnh: Quyên Quyên.

Ngoài việc thi chứng chỉ hành nghề, Bộ Y tế còn quan tâm công tác đào tạo, vì không đảm bảo chất lượng sẽ gây lãng phí cho xã hội. Bộ đã ban hành chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ đa khoa, Hộ sinh, Điều dưỡng và chuẩn bị ban hành chuẩn năng lực Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt.

Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa xác định được lộ trình thực hiện chứng chỉ ngành nghề, bởi sửa luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hiện tại, Bộ Y tế tổng hợp số liệu các vấn đề liên quan để trình Chính phủ và Quốc hội.

Theo đánh giá của ông Lợi, chứng chỉ hành nghề Y là xu hướng tất yếu của nhu cầu hội nhập quốc tế.

> Tranh luận về đại học dân lập đào tạo Y Dược

Trước đó, dư luận quan tâm hai vấn đề trong câu chuyện Bộ GD&ĐT cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học. Từ sự vênh nhau trong quan điểm về tiêu chuẩn đánh giá của hai Bộ Y tế - GD&ĐT, nhiều người băn khoăn về việc cho phép một trường ngoài công lập mở ngành Y, Dược.

Đặc biệt, cuối năm 2014, chính Bộ GD&ĐT có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học đối với Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.

Sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo hai Bộ phối hợp thẩm định lại, nếu đủ mọi điều kiện theo quy định mới cho phép tuyển sinh và mở ngành.

Kết luận của đoàn kiểm tra cho biết, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có thể tuyển sinh ngành Dược học từ năm 2016, nhưng chưa đủ điều kiện đào tạo ngay Y đa khoa.

ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội chưa được tuyển sinh ngành Y

ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có thể tuyển sinh ngành Dược học trong năm 2016. Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét việc mở ngành Y đa khoa nếu trường đáp ứng đủ điều kiện.



Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm