Kỳ thi quốc gia đang thu hút sự chú ý của dư luận. Chúng tôi là nhóm hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục và CNTT , chính sách đã có cuộc tiếp xúc lãnh đạo Bộ GD&ĐT để tìm hiểu rõ thêm về tình hình.
Mục đích của chúng tôi dựa trên nền tảng tán đồng với những chính sách về tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT nhưng muốn tìm hiểu rõ thực sự của kỳ thi này.
Chúng tôi cho rằng, sáp nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học là quyết định đúng đắn và táo bạo. Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, chia sẻ, quyết sách này đã được nghiên cứu về cả lý luận và thực tiễn nhiều năm, trước khi đưa vào thực hiện năm nay.
Các giải pháp về kỹ thuật dựa trên nền tảng CNTT được tính toán trên nền tảng giả định là 1 triệu thí sinh cũng đã được chạy thử tốt.
Chúng tôi xoáy vào vấn đề chọn ngành, trường và rút - nộp hồ sơ rất hỗn loạn, thì nhận được những thông tin sau:
1. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn việc rút và nộp hồ sơ dựa trên ID của từng học sinh tới từng sở GD&ĐT và trường. Trên thực tế, 62/63 tỉnh, thành (trừ Bình Dương) thực hiện công tác hỗ trợ thí sinh rút và nộp đơn ngay tại trường phổ thông của mình hay tại sở GD&ĐT địa phương mà không cần tới các trường đại học.
Nhưng thí sinh và phụ huynh vẫn tới các trường đại học để làm việc này. Nếu làm đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ chỉ mất ít phút để hoàn thành công việc và sẽ không có hiện tượng hỗn loạn.
Ngay cả với những gì đã xảy ra, Bộ GD&ĐT khẳng định, đó chỉ là hiện tượng nhỏ nhưng bị bị bi kịch hóa.
Cụ thể, trong hơn 500 trường đại học trên toàn quốc, chỉ có 30 trường gặp phải tình trạng quá tải rút và nôp hồ sơ một cách thủ công, trong khi họ được cung cấp các công cụ hỗ trợ đầy đủ để làm việc này.
2. Bộ GD&ĐT rất quyết tâm đưa công tác thi và tuyển sinh tiếp cận các quy trình hiện đại của nước ngoài và qua đó tạo ra những thay đổi về cách dạy và học trong trường phổ thông. Cả 2 đại diện lãnh đạo của Bộ đều khẳng định và chia sẻ với chúng tôi việc này.
Đó là một điều rất đáng mừng.
Chúng ta cũng đã nhìn thấy các định hướng hiện đại trong đề án cải cách chương trình phổ thông khi nói tới các câu chuyện: Giáo dục phẩm chất công dân; cho phép học môn tự chọn; cho phép dạy liên môn.
Đây rõ ràng là tư duy đồng bộ về chính sách và cả lý luận khi Bộ tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại của phương Tây.
Chúng tôi đặt câu hỏi: Bộ GD&ĐT có nghĩ chúng ta nên học tập Mỹ trong việc tổ chức các trung tâm khảo thí (thậm chí độc lập) để học sinh tham gia các kỳ thi nhận chứng chỉ về cả chương trình cơ bản và nâng cao tự chọn vào những thời điểm khác nhau?
Đại diện Bộ GD&ĐT trả trả lời là "có" , và điều này đã nằm trong chương trình hành động của họ.
Chúng tôi ngạc nhiên. Và cả vui mừng nữa.
Vì điều này sẽ là tiền đề dẫn tới việc học sinh có thể kết thúc quá trình chuẩn bị "chứng chỉ" của mình thậm chí trước khi kết thúc lớp 11 và sự phân luồng ngành, trường sẽ được thực hiện sớm hơn trước khi các em kết thúc lớp 12.
Dĩ nhiên, Bộ GD&ĐT đã có tính toán chưa hợp lý, mà một trong số đó chính là công thức 1 trường 4 nguyện vọng ngành. Các vị lãnh đạo Bộ đã chia sẻ bị các trường "ép" vì lo sợ không tuyển đủ sinh viên, sợ số lượng thí sinh ảo sẽ cao.
Sự hỗn loạn dù là diễn ra ở số ít trường và số ít thí sinh dù sao cũng bắt nguồn từ lỗi này. Bộ khẳng định sẽ khắc phục ngay trong các đợt xét tuyển đợt 2, 3 và đặc biệt là kỳ tuyển sinh đại học năm tới.
Có một điều quan trọng, theo Bộ GD&ĐT, lượng thí sinh vào được đúng trường và đúng ngành năm nay, tính tới thời điểm này, là cao hơn nhiều so với năm ngoái, trong khi vẫn còn các đợt tuyển bổ sung sắp tới.
Chúng tôi đánh giá đây là một thành quả.
Chia tay, chúng tôi nói với đại diện Bộ GD&ĐT: Những gì họ đang làm là cuộc cách mạng về giáo dục và không có cuộc cách mạng nào không có phản đối hay đau đớn cả.