Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT rà soát thông tin sai điểm ưu tiên

Quyền vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết như vậy sau khi hàng chục thí sinh từ đỗ thành trượt vì điểm ưu tiên.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, sau khi nhận được thông tin về tình trạng thí sinh đỗ thành trượt vì sai điểm ưu tiên, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục rà soát lại, dù các trường chưa báo cáo cụ thể.

Liên quan 33 thí sinh từ đỗ thành trượt tại Đại học Huế, bà Phụng cho biết, chưa nhận được báo cáo giải quyết của trường. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD&ĐT là giải quyết vụ việc trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp lý cho thí sinh, không trái Quy chế tuyển sinh. Việc giải quyết cụ thể phụ thuộc nguyên nhân sai sót đối với từng trường hợp.

Nếu địa phương hướng dẫn sai, dẫn đến thông tin đăng ký dự thi của thí sinh sai, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để đưa ra cơ chế giải quyết phù hợp. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã cho phép một số em lựa chọn lại trường/ngành học phù hợp với điểm thực của mình. Nghĩa là, thí sinh không bị trượt oan nhưng cũng không hạ điểm trúng tuyển.

Cộng nhầm điểm ưu tiên, nhiều thí sinh đỗ thành trượt ĐH

Thay vì chỉ được cộng 1,5 điểm, 20 thí sinh ở Phú Yên được trường THPT cộng 3,5 điểm khiến nhiều thí sinh chọn nhầm ngành học và từ trúng tuyển thành rớt NV1 đại học.

Bà Phụng cũng cho biết, nếu nhầm lẫn do thí sinh, các em phải chịu trách nhiệm, vì thực tế, thí sinh có ít nhất 3 lần để rà soát, điều chỉnh thông tin, cũng như có những kênh tư vấn, trợ giúp và được cấp tài khoản để kiểm tra trên hệ thống bất cứ lúc nào… 

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường, nếu tính lại điểm thực của thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ngành nào đó mà các em cũng có nguyện vọng, thì nên gọi các em nhập học.

Hàng loạt thí sinh đỗ thành trượt vì điểm ưu tiên

Trường hợp xảy ra gần đây nhất là 34 thí sinh đăng ký vào Đại học Huế từ đỗ thành trượt do điền sai thông tin khu vực ưu tiên. Nhà trường sau khi nhận hồ sơ cũng không kiểm tra ngay mà vẫn dựa vào đó để phát giấy báo trúng tuyển.

Vẻ mặt bàng hoàng của phụ huynh khi thấy con từ đỗ thành trượt. Ảnh: VietNamNet.

Với những trường hợp nhầm lẫn đối tượng ưu tiên như trên, Đại học Huế cho rằng, trách nhiệm thuộc về thí sinh. Trao đổi với Zing.vn qua điện thoại, TS Hoàng Hữu Hòa, Trưởng ban đào tạo, Đại học Huế cho biết, ngày 15/9, trường sẽ họp để giải quyết các sai sót này.

Tại tỉnh Phú Yên, sai sót từ trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) cũng khiến cho 20 thí sinh bị cộng thừa điểm ưu tiên. 

Trong đó, 19 em ở xã An Phú, TP Tuy Hòa và một em ở huyện Sông Hinh, thay vì nhập khu vực 1- có hộ khẩu thường trú tại vùng bãi ngang ven biển (được cộng 1,5 điểm), trường THPT Nguyễn Huệ lại nhập thêm đối tượng 1- học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (cộng thêm 2 điểm). Được cộng thêm 3,5 điểm, nhiều em đã đỗ đại học và nhận giấy báo trúng tuyển.

Phát hiện sai sót, một số trường đã hạ 2 điểm khiến nhiều em từ đỗ thành trượt NV1. Sau đó, Bộ GD&ĐT cho phép những thí sinh trên ở THPT Nguyễn Huệ được tham gia dự tuyển lại nguyện vọng 1 bằng số điểm thực chất của mình. 

Ngày 7/9, ĐH Mở TP HCM cũng ghi nhận một số thí sinh đến làm thủ tục nhập học được thông báo không trúng tuyển, do phần mềm tuyển sinh cộng sai điểm ưu tiên khu vực.

Trong đó, thí sinh N.C.T thi được 18,5 điểm, được cộng 1,5 điểm ưu tiên khu vực, vừa đủ điểm trúng tuyển vào ngành Hệ thống thông tin quản lý của trường.

Khi thí sinh nhập học, trường nói do lỗi hệ thống, em thuộc KV2 chứ không phải KV1 nên không đủ điểm trúng tuyển. Thực tế, thí sinh này có hộ khẩu tại huyện Tân Châu (thuộc KV1), và học tại THPT Thủ Khoa Nghĩa (TP Châu Đốc, An Giang) thuộc KV2.

Sau đó, trường xác nhận lại TP Châu Đốc có xã thuộc KV1 nên T vẫn được hưởng ưu tiên KV1. Trường đã gọi thông báo kết quả để thí sinh đến trường làm thủ tục nhập học.

 Đỗ thành trượt vì hạnh kiểm

Cũng tại Đại học Huế, 15 thí sinh đủ điểm đỗ vào Đại học Sư phạm Huế đã bị trượt vì không đạt hạnh kiểm theo quy định.

Theo giải thích của trường, sai sót này thuộc về thí sinh vì không xem xét kỹ quy chế tuyển sinh đối với ngành sư phạm lúc làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng. 

Trong quy chế tuyển sinh đại học đối với 7 trường sư phạm trọng điểm của cả nước (Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học sư phạm Đà Nẵng), thí sinh dự thi vào một trong 7 trường phải có hạnh kiểm 3 năm học THPT từ loại khá trở lên.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận lỗi một phần thuộc về cán bộ tuyển sinh của trường ĐH Sư phạm Huế, không rà soát kỹ hồ sơ của thí sinh trước khi gửi giấy báo nhập học.

Điều chỉnh điểm ưu tiên vào phút chót

Theo phản ảnh của công an các địa phương, nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường công an được tăng thêm điểm ưu tiên khu vực so với giấy báo dự thi ban đầu.

Lê Phan - Ngọc Quang

Bạn có thể quan tâm