Chia sẻ với báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Bộ GD&ĐT - cho biết, việc xét tuyển chung là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác tuyển sinh tốt hơn mà không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.
Giải pháp này không ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh, ngược lại còn đảm bảo cho thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng phù hợp kết quả của mình.
Đây cũng là phương thức xét tuyển đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch; đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường thực hiện xét tuyển chung thay vì các trường hay nhóm trường xét tuyển riêng.
Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển (ĐKXT) năm 2015, tổ kỹ thuật chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật.
Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015 còn nhiều bất cập. Ảnh: Lê Hiếu. |
Với phương thức xét tuyển chung, phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu ĐKXT duy nhất đối với tất cả các thí sinh đã ĐKXT. Cơ sở dữ liệu này được quản trị thống nhất, được bảo mật, đảm bảo tính chính xác. Các trường không phải sử dụng phần mềm riêng để xét tuyển riêng cho trường mình từ hệ cơ sở dữ liệu chung này.
Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục thông tin, xét tuyển tập trung thực chất là xét tuyển cho một nhóm lớn hơn nhóm GX (nhóm liên kết tuyển sinh do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì). Phương thức này hợp lý, bình đẳng và hiệu quả hơn so với việc các nhóm nhỏ và các trường xét tuyển riêng như trước đây. Vì vậy, không cần thiết phải tồn tại GX hay các nhóm khác nữa. Toàn quốc sẽ có một nhóm chung lớn.
Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn phương án xét tuyển chung, phần mềm hạ tầng công nghệ thông tin có đủ đảm bảo thông suốt?
Ông Mai Văn Trinh trả lời, Bộ GD&ĐT đã cùng nhà cung cấp dịch vụ tính toán các giải pháp, đồng thời yêu cầu các sở GD&ĐT, trường THPT huy động tối đa phòng máy tính để giúp thí sinh ĐKXT thuận lợi.
Bằng cách này, kết quả ĐKXT của thí sinh sẽ được phân tải và thông qua hệ thống phần mềm để hoàn thiện cơ sở dữ liệu xét tuyển chung.
Kết quả ĐKXT của thí sinh, thông tin tuyển sinh các trường (ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu, các tiêu chí xét tuyển...) cùng toàn bộ kết quả thi của thí sinh đã được quản trị tập trung tại một cơ sở dữ liệu duy nhất.
Sau khi đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu xét tuyển, công tác xét tuyển được thực hiện tập trung ở Bộ nhờ hệ thống phần mềm, không đòi hỏi gì thêm về hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường.
Có kết quả xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống, giống như việc tải dữ liệu ĐKXT về để xét tuyển như cách xét tuyển riêng rẽ trước đây. Với phương thức này, các trường không phải lo lắng về phần mềm xét tuyển của trường mình.
Năm 2015, bất cập ở khâu xét tuyển là thí sinh được tự do rút – nộp hồ sơ quá nhiều lần kéo dài trong 20 ngày. Ngoài ra, 4 nguyện vọng của lần xét tuyển thứ nhất "góp phần" làm con số ảo tăng.
Mặt khác, nhiều trường đại học, cao đẳng dùng phần mềm xét tuyển riêng, không liên thông rút – nộp hồ sơ. Do đó, trường này cập nhật việc rút hồ sơ của thí sinh, trường kia mới nhập được.
Đầu tháng 4/2016, nhóm 9 trường đại học được Bộ GD&ĐT phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, mang tên nhóm GX. Phương thức xét tuyển chung theo nhóm trường là giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng "trúng tuyển ảo" cho các trường tham gia.