- Bộ GD&ĐT đã xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3/2021. Thế nhưng, nhiều giáo viên còn băn khoăn vì sao Bộ GD&ĐT không bỏ luôn quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên (TCCDNN)?
- Tất cả viên chức (bao gồm cả giáo viên) phải thực hiện chế độ bồi dưỡng và có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo TCCDNN trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33).
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).
Như vậy, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục.
Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP
Việc ban hành các Thông tư quy định mã số, TCCDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải phù hợp, không được trái với quy định của hệ thống pháp luật, không được vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.
Do đó, nội dung quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN trong các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, TCCDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập (và tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV trước đây) là thực hiện quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.
Vì vậy, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên, cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.
Trong trường hợp Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP được sửa đổi theo hướng nói trên, giáo viên có thể sử dụng chứng chỉ/chứng nhận bồi dưỡng chuyên ngành để thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN.
Giáo viên đang có nhiều băn khoăn về xếp hạng, bổ nhiệm. Ảnh: VietNamNet. |
- Những giáo viên mầm non, tiểu học, THCS hạng I (theo các thông tư cũ) bây giờ chuyển sang hạng I mới thì cần thực hiện như thế nào? Việc xác định đủ điều kiện do ai đảm nhận?
- Theo quy định trước đây tại các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT- BNV ban hành năm 2015, giáo viên mầm non, tiểu học không có hạng I; chỉ cấp THCS, THPT mới có giáo viên hạng I.
Do đó, theo quy định của các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT (mới ban hành), để được bổ nhiệm và xếp lương vào hạng I, giáo viên mầm non, tiểu học phải có thời gian tích lũy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và tham gia kỳ thi/xét thăng hạng chứ không được chuyển ngay vào hạng I khi các thông tư có hiệu lực (khoản 2 Điều 7 Thông tư 01 đối với giáo viên mầm non; khoản 2 Điều 7 Thông tư 02 đối với giáo viên tiểu học).
Đối với cấp THCS, nếu giáo viên hạng I hiện nay đã đáp ứng đủ tất cả các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng I mới thì được bổ nhiệm và xếp lương vào hạng I theo quy định tại Thông tư 03; nếu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn của hạng I thì được xếp vào hạng II, khi nào tích lũy đủ điều kiện thì mới được bổ nhiệm, xếp lương vào hạng I mà không phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng (khoản 3 Điều 9 Thông tư 03).
Việc xác định giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn trong quá trình bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp quy định tại các thông tư mới do cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức được phân cấp tại địa phương thực hiện.
- Những giáo viên hạng I cũ không được chuyển sang hạng I mới thì khi chuyển sang hạng II mới có phải có Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng II (bản thân họ đã có chứng chỉ hạng I cũ)?
- Trong các thông tư mới được ban hành có quy định các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng mà giáo viên đã có trước đây được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các thông tư mới (khoản 3 Điều 10 Thông tư 01; khoản 5 Điều 10 Thông tư 02,03; khoản 3 Điều 9 Thông tư 04).
Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện các thông tư này và sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về trường hợp như trên để bảo đảm quyền lợi của giáo viên theo quy định.
- Những giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112) tương đương với giáo viên THPT hạng II mới, chỉ khác họ chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II thì khi bổ nhiệm sang hạng II mới có cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II hay không?
- Đến hiện nay, không còn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cao cấp (mã số ngạch 15.112), vì từ năm 2015 khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT thì các giáo viên ở chức danh này đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng II.
Nếu giáo viên THPT đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng II, các địa phương phải hướng dẫn và tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thiện các tiêu chuẩn của hạng, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên (chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là yêu cầu chung của viên chức ở tất cả các ngành/lĩnh vực được quy định trong Luật Viên chức, không phải là quy định của riêng ngành giáo dục).