Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT trả lời việc chuyển giáo viên xuống dạy mầm non

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc chuyển giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non chỉ là giải pháp tình thế.

Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 của các sở GD&ĐT diễn ra hôm 14/1, cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên trường công lập từ tiểu học đến THPT, nhưng lại thiếu hơn 30.000 giáo viên công lập ở bậc mầm non.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, một số địa phương đã điều chỉnh giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.

Về lâu dài, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt chất lượng, do bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt.

dieu chuyen giao vien anh 1
Việc chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Ảnh minh họa: Giáo Dục & Thời Đại.

Trước những băn khoăn của dư luận về cách làm này, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có buổi trao đổi với phóng viên VTV.

Đại diện Bộ khẳng định việc điều chuyển giáo viên dôi dư căn cứ vào tinh thần tự nguyện của các thầy cô. Đây là giải pháp tình thế Bộ phải đưa ra để giải quyết hậu quả từ việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương.

Thanh Hóa là tỉnh thừa nhiều giáo viên nhất, hơn 2.000 người. Tỉnh này cũng thiếu gần 2.200 giáo viên mầm non.

Tại hội nghị hôm 14/1, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết sở có thể điều số giáo viên thừa xuống dạy mầm non nhưng chỉ để dạy các môn phụ hoặc phụ trách hành chính. Họ cũng phải đáp ứng được yêu cầu về tuổi tác.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã phải "tuýt còi" lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa, do tự ý chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non mà chỉ đào tạo lại trong vài tuần.

Bà Nghĩa thông tin thêm Bộ GD&ĐT đánh giá việc tổ chức bồi dưỡng cho các giáo viên phổ thông thuộc diện điều chuyển trong 5, 6 tuần là chưa thể đáp ứng nhu cầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, đề nghị dừng việc bồi dưỡng, đồng thời yêu cầu ĐH Sư phạm Hà Nội thiết kế chương trình đào tạo lại bằng văn bằng hai cho các giáo viên được điều xuống dạy mầm non.

Hiện nay, các chuyên gia tích cực đóng góp ý kiến, thẩm định để đưa ra chương trình đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo viên mầm non.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí lựa chọn đội ngũ giáo viên, bao gồm năng khiếu nghệ thuật như mỹ thuật, hát nhạc, kể chuyện.

Ngành giáo dục phải dựa trên các tiêu chí này để tiến hành sàng lọc, đảm bảo điều kiện đầu vào. Như vậy, ngành mới có thể đảm bảo chuẩn đầu ra cho giáo viên mầm non. Bộ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo.

"Bằng việc yêu cầu các địa phương rà soát để đào tạo văn bằng hai cho giáo viên cùng công tác kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã thực hiện cam kết với xã hội nhằm có đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non", Thứ trưởng Nghĩa nói.

Thứ trưởng GD&ĐT nói về công tác đào tạo giáo viên Thứ trưởng GD&ĐT nói về công tác đào tạo giáo viên phổ thông được điều chuyển xuống dạy mầm non.

Phụ huynh tố giáo viên dội xô nước lạnh vào đầu trẻ

Phụ huynh tố cô giáo trường Mầm non Kitty (43 Dư Hàng Kênh, TP Hải Phòng) dội cả xô nước vào đầu con mình vì bé tè dầm. Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

Nguyễn Sương

Theo VTV

Bạn có thể quan tâm