Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT: Trường tự gắn mác quốc tế là sai quy định

Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, cho biết quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế", trường tự thêm vào là sai quy định.

Sau vụ bé trai 6 tuổi trường quốc tế Gateway, Hà Nội, tử vong trên xe đưa đón học sinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, cho biết trong tên của trường không có chữ "quốc tế". Các trường ngoài công lập có thể tự đặt thêm để thu hút học sinh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT - khẳng định trường tự gán mác quốc tế là không đúng so với quy định. 

- Hiện nay, quy định về trường quốc tế ở nước ta như thế nào, thưa ông?

- Khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục 2005 quy định hệ thống giáo dục quốc dân có 3 loại hình trường gồm công lập, tư thục và dân lập (trong Luật Giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên.

truong quoc te anh 1
Trường quốc tế Gateway, nơi xảy ra vụ việc đau lòng. Ảnh: Website nhà trường.

- Những trường tự đặt tên là quốc tế có đúng các quy định hiện hành không?

- Việc đặt tên các trường được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và NĐ 86/2018/NĐ-CP. Cụ thể, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng, không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự thêm vào là sai quy định.

Tên gọi của nhà trường chưa nói lên tất cả. Phụ huynh lựa chọn trường cho con em cần xem xét đầy đủ thông tin như chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị… thông qua nhiều kênh khác nhau. Theo quy định (Thông tư 36/2017/TT-BGDDT), các thông tin liên quan nhà trường phải được công khai để người dân được biết.

- Hiện nay, nhiều trường ở Việt Nam tự gắn mác quốc tế để thu hút học sinh, như ông nói là sai quy định. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc này thuộc về ai? Bộ GD&ĐT sẽ có giải pháp gì chấn chỉnh tình trạng trên?

truong quoc te anh 2
Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

- Nghị định 127/2018/NĐ-CP đã quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước trong giáo dục từ trung ương đến địa phương. Tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ từng cấp học hoặc trình độ đào tạo, quyết định cho phép thành lập, để xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát và trách nhiệm quản lý của địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên.

Những năm gần đây, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục của Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động giáo dục đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập, giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước, đáp ứng một phần nhu cầu khác nhau của xã hội.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số hiện tượng vi phạm các quy định pháp luật. Để giải quyết hiện tượng này, gần đây, Bộ GD&ĐT đã đẩy mạnh, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp các địa phương rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm (nếu có). Từ kết quả rà soát, bộ sẽ xem xét để hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan.

Mới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn thành phố. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng mong nhận được sự phối hợp người dân trong việc cung cấp thông tin về những hiện tượng vi phạm của các cơ sở giáo dục để kịp thời xác minh, chấn chỉnh và xử lý vi phạm (nếu có).

Nghị định 127/2018/NĐ-CP Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục. Điều 4 quy định: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về các vấn đề như chiến lược, quy hoạch, chương trình giáo dục, các quy chế, tiêu chuẩn trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 7: Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên, chuyển đổi loại hình trường đối với các cơ sở giáo dục công lập, tư thục theo quy định, bao gồm: Trường trung cấp sư phạm, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và cấp huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

Điều 9: Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên, chuyển đổi loại hình đối với các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục theo quy định, bao gồm: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện.

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát các trường có yếu tố nước ngoài

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cho hay một số trường tư thục còn nhiều vấn đề.

Bức tranh trường quốc tế tại Việt Nam - 'vàng thau lẫn lộn'

TS Đàm Quang Minh cho rằng chất lượng trường quốc tế ở Việt Nam hiện nay rất khó kiểm chứng. Nhiều cơ sở giáo dục mượn danh quốc tế để thu học phí cao.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm