Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bố già' Marlon Brando: Bi kịch một huyền thoại

Được cả thế giới tung hô như một huyền thoại, bậc thày về diễn xuất, thế nhưng trong cuộc sống riêng, ngôi sao này lại rơi vào xuống đáy của sự tuyệt vọng.

Thời tuổi trẻ ngổ ngáo - 3 lần bị đuổi học

Marlon Brando có một tuổi thơ dữ dội. Khi còn học trung học, ông bị đúp tới năm cuối thì bị hội đồng kỷ luật của trường đuổi vì tội dám đặt một trái bom tự chế trong phòng giáo sư.

Ngôi sao của phim Bố già có một tuổi thơ khá dữ dội.

Với mong muốn cậu con trai bớt ngỗ ngược, Marlon Brando được gia đình gửi tới Học viện Quân sự Shattuck. Tuy nhiên một lần nữa Marlon lại chứng tỏ mình là một "con ngựa bất kham" khi không tuân lệnh cấp trên trong một buổi diễn tập. Với lỗi này, Marlon phải nhận hình phạt bị quản chế, phải ở trong trường không được phép ra ngoài. Tuy vậy, Marlon vẫn tìm cánh lẻn vào thành phố và bị bắt lại. Lần thứ 2, Marlon Brando lại bị đuổi học.

Một năm sau đó, lãnh đạo Học viện Quân sự Shattuck cho rằng họ đã hơi mạnh tay với chàng học sinh này. Marlon được gọi nhập học lại nhưng cậu đã quyết dịnh dừng con đường học tập tại đây và quyết định lên New York tìm kiếm tương lai mới.

Marlon Brando đã tham gia khoa học diễn xuất tại trường New School và được coi là một trong những sinh viên tài năng của trường khi ông sớm nhận được mời tham gia các vở kịch ở nhà hát mùa hè. Tuy nhiên, với cách cư xử kỳ quặc, không lâu sau đó, ông lại một lần nữa bị đuổi ra khỏi trường.

Marlon Brando có một thời tuổi trẻ ngỗ ngược và nổi loạn.

Trở thành huyền thoại của Hollywood

Bị đuổi khỏi trường New School nhưng không có nghĩa là con đường nghệ thuật của Marlon Brando chấm dứt. Không lâu sau khi bị đuổi học, ông nhận được vai diễn Stanley Kowalski trong vở kịch Chuyến tàu mang tên dục vọng (A Streetcar Named Desire).

Marlon Brando bị nhân vật này hấp dẫn tới mức ngay khi đọc được kịch bản vở kịch này. Ông đã lập tức lái xe tới nơi mà đạo diễn Williams đang nghỉ hè để xin được thử vai. Còn đạo diễn Williams sau này cũng cho hay, khi ông mở cửa ra và nhìn thấy Brando, ông nhận ra rằng, mình đã có Stanley Kowalski.

Marlon Brando hóa thân thành gã Stanely nghiện ngập, cộc cằn, thô lỗ nhưng quyến rũ.

Marlon Brando cực kỳ có duyên với vai Stanley Kowalski. Vai diễn này không chỉ khiến cho mang lại thành công cho ông trong lĩnh vực sân khấu mà còn biến ông thành ngôi sao màn bạc khi Chuyến tàu mang tên dục vọng được đưa lên màn ảnh rộng.

Với Stanley Kowalski, Marlon Brando đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng với kỹ thuật diễn xuất mang tính chất đột phá. Diễn xuất của ông trong vai này về sau đã trở thành hình mẫu cho nghệ thuật diễn xuất của Mỹ bởi lẽ ở thời điểm những năm 1950, diễn xuất trong điện ảnh vẫn còn mang đậm tính khoa trương của sân khấu. Cả dàn diễn viên nổi tiếng trong phim đó như Vivien Leigh (người đóng vai Scarlet trong phim Cuốn theo chiều gió), Kim Hunter, Karl Malden... đều diễn như đứng trên sân khấu: lên gân, cường điệu và có chút khoa trương. Chỉ riêng có Marlon Brando là khác biệt. Ông diễn vô cùng chân thật, tự nhiên và sống động. Xem phim, người ta thấy rõ một một hình ảnh gã Stanely nghiện ngập, cộc cằn, thô lỗ nhưng quyến rũ.

Diễn xuất của Marlon trong Chuyến tàu mang tên dục vọng được cho là đã làm thay đổi nghệ thuật diễn xuất điện ảnh trên thế giới. Những tượng đài lừng danh của Hollywood như Jack Nicholson, Robert De Niro, Al Pacino… đều thừa nhận diễn xuất của họ ảnh hưởng rất lớn từ Marlon Brando. Jack Nicholson đã từng nói vui rằng: “Chỉ đến khi nào Marlon Brando chết đi, thì kẻ khác mới có cơ hội ngóc đầu dậy". Còn đạo diễn tài danh Martin Scorsese còn đánh giá Marlon Brando cao hơn nữa khi khẳng định: “Nghệ thuật diễn xuất có hai cột mốc: trước và sau Brando”.

Marlon Brando và Vivien Leigh trong phim Chuyến tàu mang tên dục vọng.

Như thường lệ, kẻ tiên phong không phải lúc nào cũng được đánh giá cao. Marlon Brando đã nhận được đề cử Oscar với vai diễn Stanley Kowalski, nhưng Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ từ chối trao tượng vàng danh giá cho ông. Nhưng các lần sau đó, họ đã không thể nói không với nam diễn viên tài năng này. 3 năm liên tiếp sau vai diễn Stanley Kowalski trong Chuyến tàu mang tên dục vọng, Brando đều nhận được đề cử giải Oscar với các vai diễn trong Viva Zapata! (1952), Julius Caesar (1953) và On the Waterfront (1954). Trong đó, ông đã một lần mang về tượng vàng Oscar với vai Terry Malloy trong On the Waterfront. Sau này, ông còn một lần nữa nhận được giải Oscar với vai diễn ông trùm mafia Vito Corleone trong phim Bố già. Ngoài ra ông cũng 3 lần liên tiếp giành Giải BAFTA Nam diễn viên chính nước ngoài xuất sắc nhất từ năm 1951 đến 1953.

Với lối diễn xuất chân thực và cuốn hút, các vai diễn của Marlon Brando đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Vào những năm 50, hàng loạt thanh niên Mỹ, đặc biệt là các ca sĩ rock and roll đã bắt chước phong thái và cách ăn mặc của tay lại mô tô nổi loạn Johnny Strabler do Brando đóng, trong số đó có cả giọng ca huyền thoại Elvis Presley.

Marlon Brando vươn lên trở thành ngôi sao hàng đầu của Hollywood trong thập niên 50.

Tuy vậy, bước sang thập niên 60, vị trí ngôi sao của Marlon Brando dần mờ nhạt. Ông thường làm khó các nhà sản xuất và đạo diện bởi tính khí kỳ quặc và khó chiều trên phim trường. Bên cạnh đó, các bộ phim ông đóng thường vượt chi tiêu ngân sách nhưng khi ra phòng vé lại ế chỏng chơ.

Đầu thập niên 70, đạo diễn Francis Ford Coppola đã phải đấu tranh gay gắt với hãng sản xuất để Brando có thể vào vai bố già Vito Corleone. Paramount Pictures lo sợ "thành tích" tham gia các bộ phim thua lỗ và sự khó tính của Marlon sẽ làm ảnh hưởng tới việc sản xuất Bố già.

Những nỗ lực của đạo diễn Coppola là cực kỳ sáng suốt khi Brando đã khắc họa cực kì thành công hình tượng của một trùm mafia Vito Corleone. Bố già được coi là một trong những tác phẩm hay nhất của lịch sử phim điện ảnh thế giới còn diễn xuất của Marlon Brando thì đã trở thành huyền thoại.

Nói tới sự nghiệp diễn xuất của Marlon Brando không thể không nhắc tới bộ phim Last tango in Paris. Trong phim, ông vào vai một người đàn ông Mỹ góa vợ. Để vượt qua nỗi đau mà người vợ vừa tử tự để lại, nhân vật này đã tới Paris. Tại đây, ông găp một phụ nữ trẻ đã đính hôn và cả hai đã trải qua những tháng ngày ân ái cuồng nhiệt.

Last Tango in Paris được coi là một trong những bộ phim gây tranh cãi nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Một mặt, bộ phim được đánh giá cao và Marlon đã nhận được đề cử Oscar với vai diễn trong phim này. Mặt khác, nó lại được coi là một trong những bộ phim làm "suy đồi đạo đức" vì những cảnh sex táo bạo và trần trụi giữa 2 nhân vật chính. Đạo diễn phim - ông Bernardo Bertolucci thậm chí còn bị kết án 4 tháng tù treo tại quê hương của mình là Italy.

Marlon Brando đã có hàng loạt những cảnh quay nóng bỏng cùng nữ diễn viên trẻ người Pháp trong phim Last Tango in Paris.

Nhà hoạt động xã hội tích cực

Bên cạnh sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng, Marlon Brando còn là một nhà hoạt động tích cực đòi quyền lợi cho người da đỏ và người Mỹ gốc Phi. Khi nhận được giải Oscar với vai diễn Vito Corleone, Marlon Brando đã từ chối tượng vàng. Không những thế, ông còn để một nam diễn viên da đỏ ít tên tuổi thay mặt mình bước lên sân khấu để tuyên bố lý do. Theo đó, ông không nhận giải Oscar để phản đối việc Hollywood và các hãng truyền hình thường xuyên miêu tả lệch lạc hình tượng những người thổ dân bản địa như những kẻ dã man. Ông cũng đã sử dụng số tiền khổng lồ để ủng hộ người da đỏ trong các hoạt động của họ.

Marlon Brando đã từ chối nhận giải Oscar cho vai chính trong phim Bố già để ủng hộ người da đỏ.

Brando cũng đã tham gia Cuộc tuần hành vì Việc làm và Tự do ở Washington, D.C. cùng với các ngôi sao nổi tiếng khác như Harry Belafonte, James Garner, Charlton Heston, Burt Lancaster và Sidney Poitier. Ông cũng là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền lợi của người da đen tại Mỹ. Năm 1976, Ủy ban đoàn kết người da màu đã trao tặng giải thưởng nhân đạo hàng năm cho anh. Mặc dù lần này, với lòng trân trọng tổ chức nói trên Marlon Brando cũng đã từ chối không nhận giải thưởng.

Năm 1992, Marlon Brando yêu cầu rút tên mình ra khỏi phim Khai phá (The Discovery), trong đó ông thủ vai một chánh án với lý do phim này đã không nói đến hành động tiêu diệt thổ dân da đỏ của những kẻ đã khám phá ra châu Mỹ.

Xưa nay, việc các ngôi sao điện ảnh ít khi thể hiện thái độ hay có những hành động liên quan tới chính trị nhưng Marlon Brando lại khác. Chính thái độ của ông đã làm cho giới quân sự và chính quyền Mỹ phản ứng mãnh liệt nhưng ông không hề nao núng.

Bi kịch bủa vây cuộc sống riêng của Marlon Brando

Cuộc đời Marlon Brando luôn bị phụ nữ làm khổ. Mẹ của ông là một diễn viên kịch nhưng mắc chứng nghiện rượu nặng. Khi còn sống với bố mẹ, ông thường xuyên bị gọi dậy lúc nửa đêm để đến đón người mẹ đang say bí tỉ ở các quán rượu về nhà.

Là một người ngang ngạnh, ngỗ ngược và phóng túng nên không có gì ngạc nhiên khi Marlon Brando có tới 3 cuộc hôn nhân chính thức và hàng loạt những người tình thoáng qua. Mẫu phụ nữ mà Marlon yêu thích thường có vẻ đẹp hoang dại và khác thường. Cũng chính vì thế, ông thường bị họ làm cho khốn khổ.

Vào cuối năm 1957, Brando kết hôn Kashfi - nữ diễn viên gốc Ấn Độ. Cả hai có với nhau một đứa con trai là Christian David nhưng cuộc sống gia đình trở thành địa ngục với cả hai. Hai năm sau đó, họ li dị.

Sau đó, Brando kết hôn với Castenada, tình nhân cũ của ông. Họ có với nhau cô con gái tên Mike. Một lần nữa, hôn nhân không đem lại hạnh phúc cho Brando mà chỉ khiến những bi kịch trong cuộc sống riêng của ông thêm chồng chất. Và để trốn tránh nỗi đau, ông lại lao vào cuộc tình với một cô hầu bàn người Tahiti và có với cô này một người con.

Giữa lúc đang bị kẹt giữa một cuộc hôn nhân không hạnh phúc với Castenada và cuộc tình không chính thức với cô hầu bàn người Tahiti thì Marlon Brando vẫn thường xuyên phải hầu tòa do những tranh chấp với người vợ đầu tiên Kashfi. Mâu thuẫn giữa họ chỉ được chấp dứt vào thập niêm 70 khi cô này bị bắt quả tang vì tội sử dụng ma túy và nghiện rượu.

Những tưởng rằng sợi dây oan nghiệt giữa Marlon là Kashfi đã được cắt đứt. Ai dè vào năm 1979, người phụ nữ này đã đã tìm cách trả thủ bằng cách xuất bản một tập sách đề cập tới những thói hư tật xấu của Marlon Brando.

Marlon Brando luôn khổ vì phụ nữ. Chính ông sau này đã phải thừa nhận rằng: "Bi kịch của đời tôi là miệt mài chạy theo hết người phụ nữ này đến phụ nữ khác và cứ có ảo tưởng là hạnh phúc, hay ít ra đã tin rằng họ cũng giúp tôi vượt qua nỗi cô đơn hoặc đau khổ của tôi. Thật ra, tôi đã thất bại trước khi cuộc tìm kiếm bắt đầu”.

Cô con gái mắc chứng nghiện rượu, ma túy và đã tự tử của Marlon Brando.

Không chỉ khổ vì phụ nữ, những năm tháng cuối đời của Marlon còn rơi vào tuyệt vòng vì những bi kịch của con cái. Hai người con của ông là cậu cả Christian và cô con gái Cheyenne mắc chứng nghiện rượu và ma túy. Trong một lần cãi vã, Christian đã dùng súng giết chết người yêu của Cheyenne. Anh này bị kết án 10 năm tù, còn Cheyenne thì cũng tự sát sau đó.

Tiếp đến, một người con dâu của Marlon Brando bị sát hại trong xe hơi. Trong quá trình điều tra, các cảnh sát phát hiện một đoạn ghi âm có liên quan tới Christian. Một lần nữa, cậu con trai cả lắm tật của Marlon lại rơi vào vòng lao lý.

Dường như có một lời nguyền khủng khiếp bao quanh gia đình của Marlon. Ông có khoảng 25 người con nhưng họ đều phải trải qua một cuộc sống giống như địa ngục, người phải ngồi tù vì tội sát nhân, người tự sát, những người con còn lại thì cũng gặp phải hết rắc rối này tới rắc rối khác.

Những bi kịch liên tiếp của gia đình đã khiến ngôi sao điện ảnh lừng danh ngày nào phải ẩn mình tại một hòn đảo ở Tahiti. Từng là ngôi sao kiếm được nhiều tiền nhất Hollywood, ông phải sống dựa vào tiền trợ cấp của chính phủ. Khi chết, Marlon Brando để lại món nợ lên tới 17 triệu USD.

Có lẽ, trong lịch sử điện ảnh, khó ai có được vinh quang như Marlon Brando nhưng cũng ít người gặp phải những bi kịch chồng chất như ông.

Huyền thoại của Hollywood phải chịu cảnh cùng quẫn trong những năm tháng cuối đời.



http://hn.24h.com.vn/phim/bo-gia-marlon-brando-bi-kich-mot-huyen-thoai-c74a611308.html

Theo Khám Phá

Bạn có thể quan tâm