Bộ Giáo dục kiên quyết không để điểm sàn riêng cho ĐH dân lập
Giảm thuế, hỗ trợ kinh phí, nhưng không đồng ý ĐH, CĐ dân lập có mức điểm sàn thấp hơn khối công lập. Đó là kết luận của Bộ GD sau buổi làm việc về giải pháp tránh tan rã các trường ngoài công lập.
Không có điểm sàn riêng
Sáng nay 5/3, Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập xung quanh những kiến nghị khẩn thiết.
GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: “Chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng nhưng chỉ đúng khi nó có một cơ chế chính sách hợp lý, đối xử công bằng như các trường công lập”.
Ông Quân cũng nêu lên thực tế hiện nay nhiều trường ngoài công lập rất thiếu sinh viên, không đủ để mở ngành, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thừa phòng học, không đủ kinh phí duy trì. Các trường này càng hoạt động càng lỗ, không giống trường công còn có ngân sách nhà nước. Vị chủ tịch cho rằng, nói nhiều trường đứng trước nguy cơ tan rã không hề quá lời. Vì vậy, lãnh đạo Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ GD - ĐT cần phải có chính sách thích hợp để cứu các trường ngoài công lập.
Sau hội nghị, vào chiều nay 5/3, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông báo những nội dung trong buổi làm việc sáng nay.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 5/3. |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Quan điểm của Bộ không phân biệt trường công lập và ngoài công lập để đảm bảo quyền lợi của người học sau khi tốt nghiệp. Nếu cho các trường ngoài công lập có cơ chế tuyển sinh riêng hoặc điểm sàn riêng thì sẽ có sự phân biệt và ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên”.
Vì vậy, Bộ luôn tạo điều kiện cho các trường công lập và ngoài công lập. Hiện nay Bộ cũng đang trong quá trình xây dựng phương hướng điểm sàn hợp lý, để làm sao số lượng thí sinh trên điểm sàn sẽ nhiều hơn. Như vậy, các trường sẽ đảm bảo được chất lượng đầu vào, mặt khác cũng đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng ở các địa phương.
“Bộ rất hoan nghênh các trường đại học, cao đẳng đóng góp ý kiến về phương hướng xây dựng điểm sàn hợp lý”, thứ trưởng Bùi Văn Ga gợi ý.
Nhiều trường ngoài công lập cũng đề nghị Bộ GD - ĐT cho các trường này tuyển sinh riêng ngay từ năm 2013. Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ cho biết: “Các trường cần gấp rút xây dựng đề án xét tuyển hay kết hợp thi với xét tuyển để báo cáo lên Bộ. Ý kiến của Bộ về vấn đề này là nếu đề án tốt sẽ cho tiến hành ngày trong năm nay”.
Giảm thuế, hỗ trợ kinh phí đào tạo
Về phía Bộ, sau hội nghị tuyển sinh vừa rồi, khi tiếp nhận ý kiến của các trường ngoài công lập nói rằng nguồn tuyển bị thiếu hụt chỉ tiêu, năm nay bộ sẽ nỗ lực để các trường ngoài công lập cũng đủ chỉ tiêu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trường dân lập trên cả nước vẫn tuyển sinh đủ chỉ tiêu thậm chí vượt chỉ tiêu. Những trường này cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên chương trình đáp ứng được yêu cầu của người học. Vì vậy, song song với quy chế tuyển sinh của Bộ, các trường cũng cần xây dựng đội ngũ, mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo.
Để giúp các trường ngoài công lập, năm nay quy chế tuyển sinh Bộ đã thay đổi, không cho phép các trường tuyển nguyện vọng sau thấp hơn nguyện vọng 1. Việc này nhằm tránh trường hợp các trường công lập liên tục hạ điểm chuẩn để hút thí sinh của các trường ngoài công lập.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Thực tế, các trường công lập để bảo vệ uy tín của mình cũng không muốn lấy điểm thấp xuống. Tuy nhiên, thực tế chỉ có một số trường ở địa phương hay một số ngành khó tuyển của các trường công lập mới lấy đến điểm sàn, nhưng đó không phải là phổ biến”.
ĐH Thăng Long - một trong những trường đại học ngoài công lập đã khẳng định được tên tuổi của mình. |
Ngoài những nội dung còn bất đồng, Bộ GD - ĐT và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng đạt đồng thuận trong việc giảm thuế trong các trường ngoài công lập.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, để hỗ trợ các trường, Bộ đã đề xuất lên Chính phủ để thay đổi chính sách ưu đãi về thuế đối với các trường ngoài công lập.
Bộ cũng đề nghị với các địa phương khi giao đất cho trường ngoài công lập thì nên chọn nơi có dân, trong thành phố để dễ tuyển sinh. Bởi có rất nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay ở vùng xa dân cư, giữa cánh đồng nên dù có xây dựng cơ sở vật chất tốt cũng khó tuyển sinh như ĐH Hà Hoa Tiên. Vì vậy ít nhất nếu chưa được ưu đãi về thuế, mặt bằng thì cũng cần được ưu đãi về vị trí.
Trước ý kiến của nhiều trường ngoài công lập cho rằng hiện nay các trường ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn do sinh viên không được hỗ trợ kinh phí đào tạo, lãnh đạo Bộ GD - ĐT cũng cho biết sẽ sớm giải quyết thực trạng này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu có thể sẽ phân biệt bằng cách những thí sinh nào trên 24 điểm sẽ được cấp kinh phí, nếu dưới mức điểm này dù học công lập hay dân lập đều không được.
Thiên Trường – An Hoàng
Theo Infonet