Ngày 11/3, trao đổi với Zing.vn, ông Hà Hữu Phúc – Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM cho biết đã nhận được thông báo (từ ngày 22/2) rằng: Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Đại học Hùng vương TP HCM sẽ cho toàn bộ giảng viên và nhân viên nhà trường nghỉ việc.
"Nhận thấy đây là việc ảnh hưởng hàng trăm giảng viên và nhân viên nhà trường, Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT đã mời các thành viên của HĐQT, Ban giám hiệu và các bên liên quan đến làm việc tại trụ sở Cơ quan đại diện để báo cáo toàn bộ sự việc", ông Phúc thông tin.
Đại học Hùng Vương TP HCM. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Theo vị giám đốc này, buổi làm việc đó, Cơ quan đại diện cũng mời Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP HCM và lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM tham gia.
Sau khi nghe các bên báo cáo, đại diện Đảng ủy Khối, lãnh đạo sở GD&ĐT TP HCM và Cơ quan đại diện đã phân tích, chỉ đạo và hướng dẫn nhà trường xử lý tình hình theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết tháng 8/2015, Bộ GD&ĐT từng có văn bản trả lời về việc đề nghị tiếp tục tuyển sinh của Đại học Hùng Vương TP HCM. Theo công văn này, đến ngày 31/8/2016, nếu Đại học Hùng Vương TP HCM chưa hoàn thành một số công việc, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đình chỉ hoạt động đào tạo của trường.
Từ tháng 6/2015 đến nay, HĐQT này vẫn phải thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật để trường tiếp tục hoạt động bình thường (giảng dạy cho số sinh viên chưa tốt nghiệp, trả lương, đóng bảo hiểm cho hơn 100 giảng viên và nhân viên nhà trường, lên lương cho người đến niên hạn…).
Theo quy định của pháp luật, người nào có thẩm quyền ký hợp đồng lao động thì người đó có thẩm quyền ký thanh lý hợp đồng lao động. Việc ký kết, thực hiện và thanh lý hợp đồng lao động trước hết phải tuân thủ những quy định của Bộ luật Lao động, phù hợp các quy định liên quan của các luật khác (nếu có).
Cũng theo ông Hà Hữu Phúc, buổi làm việc từ tháng 2, trường công bố thời điểm thanh lý hợp đồng lao động chứ chưa chấm dứt. Cơ quan đại diện không rõ ông Đặng Thành Tâm hay hiệu trưởng là người đã ký hợp đồng lao động.
Ông Phúc cho rằng thông tin này không thuộc thẩm quyền của Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT, mà thuộc UBND TP HCM nơi quản lý về con người theo Nghị định 115 của Chính phủ.
Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM thông tin thêm theo báo cáo của nhà trường, do 4 năm qua (từ 2012 đến nay), Đại học Hùng Vương TP HCM không được tuyển sinh nên trường không có nguồn thu. Do đó, nhà trường phải cơ cấu lại đội ngũ giảng viên và nhân viên. Hiện nay, 79/105 người lao động đã đồng ý thanh lý hợp đồng, còn 26 người chưa đồng ý thanh lý hợp đồng.
Theo báo cáo của trường, trường sẽ ký lại hợp đồng với người lao động đủ điều kiện và có ý muốn làm việc tiếp ở trường.
Trước đó, ngày 10/12/2015, ông Đặng Thành Tâm ký văn bản gửi Đảng ủy, ban chấp hành công đoàn Đại học Hùng Vương TP HCM về việc thực hiện phương án sử dụng lao động.
Theo đó, trường không tuyển sinh 4 năm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động. Hiện trường không còn nguồn thu, thu không đủ chi kéo dài dẫn đến lỗ nặng, thâm hụt trầm trọng vốn pháp định do cổ đông đầu tư.
Ngày 22/2, ông Tâm ký 3 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Chỉ trong ngày 25/2, với tư cách chủ tịch HĐQT nhà trường, ông Tâm ký 79 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ, giảng viên.
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn luật sư TP Hà Nội: Việc ký quyết định cho thôi việc đối với 82 giảng viên của ông Đặng Thành Tâm, nguyên chủ tịch HĐQT là trái quy định của pháp luật. Ở đây, các giảng viên ký kết hợp đồng lao động với ĐH Hùng Vương TP HCM.
Theo quy định của pháp luật, người đại diện theo pháp luật của trường (đại diện của người sử dụng lao động) là hiệu trưởng. Chính người đại diện theo pháp luật mới có thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.