Theo Asiaone, vụ việc xảy ra vào ngày 5/3 tại trường Mee Toh, Singapore. Hôm đó là sinh nhật của nữ sinh 11 tuổi. Một trong những bạn học ném giấy vụn vào người em, bảo đây là quà sinh nhật.
Ngày 6/3, chị gái nạn nhân, batakab, đăng ảnh chụp các tờ giấy nhắn lên Twitter. Câu chữ trên đó khiến nhiều người sốc và phẫn nộ khi thấy em bị là "ngu ngốc và rác rưởi", trông "thật xấu xí".
Nữ sinh nhận những lời chửi rủa từ bạn học trong dịp sinh nhật. Ảnh: Twitter. |
Đây không phải lần đầu tiên em bị bạn học bắt nạt. Trong đoạn tin nhắn giữa hai chị em, nữ sinh kể bạn học so sánh em với thùng rác, phá hư đồng phục, đặt biệt danh và bắt nạt em trên mạng xã hội.
Batakab cho biết thêm là một trong những học sinh người Malaysia ở trường, em gái thường bị phân biệt chủng tộc, thậm chí bị ép ăn cơm trưa trong nhà vệ sinh để có thể "vừa ăn vừa khóc".
Cô nhiều lần báo vụ việc lên trường và Bộ Giáo dục Singapore (MOE) nhưng không có tác dụng.
"Tôi email cho trường, đề cập đến vụ bạo hành trong cuộc họp phụ huynh. Tôi cũng đã email tới MOE. Nhưng họ làm gì? Không gì cả", chị gái nạn nhân bức xúc.
Không dừng lại ở đó, em gái cô còn từng phải xin lỗi những kẻ bắt nạt mình chỉ vì dám tự vệ. Theo lời kể của batakab, giáo viên từng khuyên mẹ cô cho con chuyển trường.
Bài đăng của batakab thu hút sự chú ý của dân mạng Singapore. Diễn viên Hossan Leong cũng lên tiếng, yêu cầu Bộ Giáo dục vào cuộc.
Trước phản ứng từ dư luận, phát ngôn viên MOE cho biết bộ đã điều tra vụ việc và nhận thấy nhiều học sinh "viết lời nhắn thiếu tử tế" tới nạn nhân. Những người liên quan sẽ bị kỷ luật.
Ngày 10/3, Wang-Tan Sun Sun, Hiệu trưởng trường Mee Toh, thông tin trường đã làm việc với mẹ nữ sinh và "đưa ra biện pháp hỗ trợ" em.
"Trường không tha thứ cho mọi hình thức bắt nạt bạn học, bao gồm cả việc kỳ thị chủng tộc với bất cứ ai", bà khẳng định.
Cùng ngày, Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung bày tỏ sự thất vọng trước vụ việc trên Facebook.
Bài đăng của Bộ trưởng Ong Ye Kung không thể xoa dịu dư luận, nhiều người cho rằng Bộ Giáo dục cần có hành động thực tế để ngăn chặn bạo lực học đường. |
"Vấn đề không ở chỗ học sinh có thể chỉ coi đó là trò đùa tinh quái hay các em chỉ là học sinh lớp 5. Thực tế là nạn nhân cảm thấy bị phân biệt chủng tộc. Điều này khiến sự việc càng không thể chấp nhận được", ông viết.
Tuy nhiên, dưới bài đăng của ông Ong Ye Kung, nhiều người cho rằng bộ làm chưa đủ, cần có thêm hành động thực tế để loại bỏ bạo lực học đường.