Joe Franklin, một thiếu niên người Anh 17 tuổi, có lẽ không phải hình mẫu lý tưởng cho nhiều bậc phụ huynh. Năm 16 tuổi, cậu bỏ học, bước ra đời với chứng chỉ giáo dục phổ thông không mang nhiều giá trị. Dù vậy, chỉ sau một năm, giá trị của Franklin đã được chứng minh bằng những xấp tiền dày cộp cậu thu về sau mỗi lần giao dịch giày.
Joe Franklin sở hữu thu nhập đáng mơ ước từ việc bán giày. Ảnh: Vice. |
"Còn đi học sẽ chẳng làm được gì"
Franklin thẳng thắn thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với BBC. "Quá nhiều người liên lạc với tôi để hỏi tìm giày. Tôi có đủ việc để làm nhưng tất cả sẽ chẳng ra gì nếu còn đi học", chàng trai 17 tuổi nói về quyết định bỏ học đi bán giày.
Ban đầu, bố mẹ Franklin cho rằng đó là quyết định ngớ ngẩn. Tuy nhiên, họ đã sớm nhận ra con trai họ không phải một đứa lông bông, thích nghỉ học để đua đòi. Franklin kiếm ra nhiều tiền hơn những gì bố mẹ cậu có thể nằm mơ.
"Nó cũng giống như nghệ thuật. Khi tôi đã có nó, anh muốn sở hữu thì hãy trả giá thật cao", Franklin ví von.
Franklin có thể thu lời 20.000 USD chỉ sau một thương vụ. Ảnh: The Sun. |
Món hời lớn nhất cậu từng kiếm được đến từ "siêu phẩm ngoài hành tinh" - Nike "Marty McFly" Back to the future - vào năm 2018. Một khách hàng muốn sở hữu đôi giày biết tự buộc dây đến từ hãng thể thao của Mỹ. Franklin nhanh chóng xác định điểm đến của mình - Los Angeles - nơi có một nhà sưu tập Back to the future đình đám.
Vị khách hàng kia đã phải trả Franklin 76.000 USD để sở hữu đôi giày. Với phi vụ này, "tay săn giày" người Anh kiếm được khoản lời 20.000 USD.
Suy nghĩ khác biệt giữa đám khoe khoang
Giống nhiều cậu thiếu niên mới lớn, Franklin từng trải qua giai đoạn muốn khoe khoang để thể hiện bản thân. Khi lên 12 tuổi, cậu nhóc cùng đám bạn mơ trở thành những "nhà sưu tầm giày" sở hữu một gia tài sneakers đồ sộ.
Tuy nhiên, Franklin sớm nhận ra khác biệt giữa dân chơi và tay săn giày. Dân chơi có thể sở hữu nhiều giày nhưng dân buôn sẽ kiếm được tiền từ ví họ.
Để ngộ ra điều này, Franklin phải dành lời cảm ơn đến đôi Nike Air Max 90s Jessie J's. Vào thời điểm đó, đôi giày này cũng thuộc dạng hiếm. Cậu trai khi ấy mới 12, 13 tuổi đã phải bỏ gần 250 USD để sở hữu nó trong ngày sinh nhật. Tuy nhiên, đôi giày Franklin mơ ước bấy lâu đã nhanh chóng tìm được chủ mới khi có người hỏi mua lại với giá 500 USD.
Franklin không từ bỏ niềm đam mê với giày, cậu đơn giản chỉ sống thực tế hơn.
"Ồ, tôi mê chúng chứ. Tôi muốn được sở hữu những đôi giày như thế. Tuy nhiên, tôi nhận ra nếu mình xỏ chúng chỉ một vài lần, giá sẽ giảm mạnh so với ban đầu. Bạn sẽ mất hơn 100 USD chỉ sau 3 lần diện đôi giày ra đường. Từ đó, tôi chỉ còn quan tâm đến chuyện mua và bán", Franklin nói về bước ngoặt từ một "dân chơi" thành "tay săn".
Những thương vụ thần tốc
Franklin không xây dựng một trang web bán hàng. Thay vào đó, cậu chỉ sử dụng một tài khoản mạng xã hội với khoảng 7.300 lượt theo dõi nhưng tần suất đăng bài không quá lớn. Từ 23/1 tới nay, Franklin chưa đăng thêm bất kỳ sản phẩm nào.
Dù vậy, cậu thiếu niên 17 tuổi tiết lộ lượng tin nhắn gửi đến mỗi ngày có khi lên tới hàng trăm. Nhiều khách hàng cho Franklin thời gian nhưng số khác lại không dư dả đến vậy. Đôi khi, cậu phải đối mặt với những thử thách kiểu tìm giày hiếm chỉ trong vài giờ.
Tuy nhiên, Franklin cho biết điều này không quá khó với cậu. Nếu khách hàng yêu cầu 10-15 đôi giày hiếm, cậu sẽ kiếm về cho họ cỡ 12 đôi trong thời gian đã định.
Franklin có thể hoàn thành yêu cầu siêu khó của khách hàng trong thời gian ngắn. Ảnh: The Sun. |
Chia sẻ với CNBC, Franklin tiết lộ cậu từng phải tìm một đôi Nike SB Dunk Paris có giá tới 42.000 USD trong vòng 10 giờ. Khách hàng cần giày gấp trước khi trở lại Dubai (UAE). Chỉ sau 2 giờ, Franklin đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Chàng trai người Anh khẳng định điều quan trọng nhất trong kinh doanh là giữ chữ tín. Nhờ khả năng "tìm những thứ không thể tìm được", Franklin đã mở rộng nguồn khách hàng đến khắp các thành phố lớn như New York (Mỹ), Dubai hay Sydney (Australia)...
Tình yêu thực dụng
Franklin từng yêu giày nhưng có lẽ hiện tại, cậu yêu tiền hơn thế. "Tay săn" này sở hữu một bộ sưu tập với 42 đôi giày siêu hiếm, có tổng giá trị lên đến 150.000 USD. Tuy nhiên, Franklin chỉ có vỏn vẹn 5 đôi giày để sử dụng hàng ngày. Không đôi nào trong số chúng thực sự quá hiếm để nhận được ánh nhìn ngưỡng mộ từ các "đầu giày".
Franklin chỉ thực sự quan tâm đến những đôi giày "hái ra tiền". Ảnh: Vice. |
Phóng viên của Vice từng hỏi Franklin liệu có đôi giày nào khiến cậu mãi ám ảnh vì không thể sở hữu. Đáp lại, chàng trai 17 tuổi thẳng thắn nói không. "Đó là cảm giác của những nhà sưu tập, tôi thì không. Tôi chỉ mua những đôi giày đắt tiền khi khách hàng cần. Nếu thấy một đôi giày có khả năng tăng giá, tôi cũng sẽ mua và giữ lại", Franklin đáp.
Theo tờ Vice, suốt buổi phỏng vấn, cậu trai 17 tuổi chỉ nhắc đến tiền thay vì những ký ức đẹp đẽ khi còn mê đắm với những đôi sneakers. "Với thu nhập từ 6.000-12.000 USD/tuần, tôi nghĩ cậu ấy cũng chẳng thèm bận tâm đâu", phóng viên của Vice chia sẻ.