Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ học yêu sớm, thiếu nữ suýt mất mạng

Huỳnh Thanh Tuyền (SN 1996, ngụ huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) sớm bỏ học để đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Khi nhận ra mình yêu phải gã côn đồ hung hãn, Tuyền cảm thấy hối hận và muốn chấm dứt mối quan hệ không hôn thú với Huỳnh Văn Trung (SN 1989, ngụ xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu). Không chấp nhận lời đề nghị này, Trung đã nhiều lần hăm dọa giết Tuyền.

Hối hận vì trót yêu nhầm vũ phu

Kinh tế gia đình không đến nỗi nghèo khó nhưng với bản tính ham vui, Tuyền đã tự ý nghỉ học từ năm lớp 8. Chính trong những ngày tháng rong chơi đó, Tuyền đi theo tiếng gọi của tình yêu với Trung mặc cho người thân cấm đoán. Về phần Trung, trong thời gian đó đã thuộc dạng “có máu mặt” ở địa phương, không chịu lo làm ăn mà suốt ngày ăn chơi lêu lổng.

“Ngay khi hai đứa quen nhau gia đình có khuyên can nhưng với bản tính non nớt, thiếu suy nghĩ nên Tuyền chẳng nghe lời ai. Thậm chí con nhỏ còn cùng thằng Trung bỏ nhà đi nơi khác sinh sống, chúng tôi cũng không thể can ngăn. Một tháng sau, Tuyền có quay về nhưng lại lấy đồ rồi bỏ đi tiếp. Gia đình nhiều lần đi tìm kéo về nhưng không có kết quả. Ba mẹ tôi bực đến nỗi đã có ý định từ con nhưng rồi không nỡ”, anh Huỳnh Quốc Hòa (SN 1994, anh ruột của Tuyền) cho biết.

Huỳnh Quốc Hòa, anh trai của Tuyền.

Sự thiếu suy nghĩ và không nghe lời người thân khiến Tuyền phải gánh hậu quả. Sau 2 năm chung sống với Trung thì Tuyền có thai. Không thể tự chăm sóc vợ hờ nên Trung đành phải đưa cô về tá túc nhờ nhà cha mẹ ruột. Nhưng cuộc sống bên gia đình chồng cũng không êm đẹp, Tuyền sống cùng cha mẹ của “chồng hờ” trong sự dè bỉu, khinh miệt. Sinh con ra, cả mẹ lẫn con bầy hầy, nhem nhuốc, không được ai quan tâm. Trung thì quen thói chơi bời lêu lổng, chẳng buồn đoái hoài gì đến hai mẹ con.

Những ngày tháng ngậm ngùi bên gia đình chồng mới giúp cô gá dần hiểu ra bồng bột, sai lầm của phút giây trẻ dại. Tuyền quyết định chấm dứt mối cuộc sống vợ chồng không hôn thú với Trung. Cô mang con về tạ lỗi với cha mẹ và xin được trở về nhà nhà. Vậy nhưng Trung không hề buông tha cho Tuyền, hắn liên tục quấy nhiễu, hăm dọa giết Tuyền nếu không quay.

Ban đầu, khi Tuyền quay về nhà cha mẹ đẻ, Trung đòi theo về sống cùng nhưng gia đình Tuyền không đồng ý. Sau đó, vì Trung khéo nói, và vì thương con gái nên cha Tuyền chấp nhận cho cơ hội sửa sai. Khi đó, tuy công việc làm ăn của gia đình không thuận lợi nhưng thấy Tuyền về cũng gắng mở một tiệm cà phê nho nhỏ để tạo cơ hội sinh nhai.

“Trung vẫn ăn chơi đàn đúm, gia đình tôi cũng không thể chứa chấp với loại người đó được. Không chấp nhận cuộc sống buông thả của Trung, em tôi muốn chia tay với hắn nhưng hắn không chấp nhận. Thỉnh thoảng hắn đánh đập em tôi nhưng con bé nín nhịn không nói cho ai biết. Nhiều lần Trung đón đầu xe uy hiếp, không những thế hắn còn dọa giết Tuyên. Ngoài chuyện nhiều lần dọa giết em tôi ra hắn còn “vừa ăn cướp vừa la làng”, lu loa bêu xấu em gái tôi khắp nơi”, anh Hòa cho biết thêm.

Không được ở chung với Tuyền, Trung thường xuyên theo dõi, gia đình lơ là là thì đánh đập vợ. “Trung đối xử không có trách nhiệm với vợ con. Lúc thì nói cháu bé không phải con mình, lúc thì tranh giành bế đứa bé về nuôi, được vài hôm hắn lại bế con đến trả. Tôi đang đi học nghề ở xa, nghe tin em bị uy hiếp nên phải bỏ học quay về. Lợi dụng hôm đó cha mẹ tôi bận việc ngoài thị trấn, Tuyền ở quán có một mình nên tìm đến gây sự. Nghe cuộc điện cầu cứu của em nhưng về tới nơi thì chỉ em gái tôi đã bị hắn hành hung gần chết”, anh Hòa kể lại.

Đâm người còn ngang nhiên thách thức

Theo đó, vào ngày 6/12/2014, Trung một mình đi xe máy đến quán cà phê ở ấp Phước Đức A (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) do mẹ Tuyền làm chủ để tìm Tuyền giải quyết mâu thuẫn. Lúc này chỉ có Tuyền và một người cô ruột ở quán. Sau một hồi cự cãi, giằng co, Trung bất ngờ rút dao đâm trúng đầu người vợ hờ. Nạn nhân chao đảo rồi gục xuống. Người duy nhất có mặt lúc đó là bà cô ruột của nạn nhân đã lấy hết can đảm lao vào can ngăn rồi đưa Tuyền đi cấp cứu.

Quán cà phê nơi xảy ra vụ việc.
Quán cà phê nơi xảy ra vụ việc.

Bà Huỳnh Thu Hà (SN 1968, cô ruột của Tuyền) kể lại giây phút kinh hoàng: “Chuyện đã xảy ra một tuần nay nhưng hễ nhắc đến nó tôi lại bị ám ảnh. Sáng đó, khoảng 8h20, tôi qua quán cà phê có việc thì bắt gặp Trung với Tuyền đang ở đó. Tôi thấy hai đứa cãi nhau rất căng thẳng. Sau một hồi cãi vã tôi thấy Trung chạy ra xe và rút một con dao. Tôi thấy vậy liền chạy lại khuyên can nhưng hắn vẫn lăm lăm xông về phía cháu gái tôi. Khi đó cháu gái tôi sợ quá núp sau lưng tôi, nhưng Trung vẫn lao tới”.

Cũng theo bà Hà cho biết, sau khi đâm vợ xong, Trung vẫn thản nhiên bỏ đi như không hề có chuyện gì xảy ra. “Khi tôi đỡ Tuyền dậy, cháu tôi cứ ôm lấy đầu kêu đau, đòi rút dao ra, tôi hoảng quá không biết phải làm sao. May có người thanh niên ở quán nước bên cạnh chạy qua kịp thời đưa hai cô cháu tôi đi cấp cứu”, bà Hà kể lại.

Tỉnh lại sau mấy ngày hôn mê trong bệnh viện được biết hiện tại sức khỏe của Tuyền đã tương đối ổn định. “Bác sĩ cho biết, em tôi bị thủng màng sọ, máu tràn vào não. Tình trạng em tôi lúc đó rất nguy kịch, chỉ đưa đi cấp cứu chậm một chút nữa chắc không qua khỏi được. Đến giờ thì em tôi đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên đầu vẫn còn bị đau nhức, lúc nhớ lúc quên”, anh Hòa cho biết.

 

87% nạn nhân bạo lực gia đình không nhờ chính quyền can thiệp

Theo thông tin được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về việc thực thi chính sách với người bị bạo lực giới (diễn ra tại Hà Nội trong ngày 3 và 4/12) thì gần 60% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công, trừ những vụ nghiêm trọng, xử lý hình sự. Tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em nữ.

Việt Nam có Luật Phòng chống bạo lực gia đình từ năm 2007, tuy nhiên khuôn khổ pháp chế hiện nay chưa cấm toàn diện, hình sự hóa các hình thức bạo lực với phụ nữ. Nhiều chính sách pháp luật tốt nhưng triển khai chưa đáp ứng thực tiễn.

Nghiên cứu về chất lượng dịch vụ tư pháp hình sự hiện nay dành cho nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam được công bố gần đây với sự tham gia của 900 phụ nữ bị ảnh hưởng cho thấy thực trạng tương tự. Theo đó, 43% các vụ bạo lực gia đình được báo cáo cho công an. Có đến 54% người bị bạo lực gia đình nghĩ rằng các biện pháp xử lý của công an là chưa nghiêm minh. Chỉ có 8% nạn nhân được cán bộ tư pháp, pháp lý trợ giúp.

 

 

http://baophapluat.vn/loi-song-sai-lam/bo-hoc-yeu-som-thieu-nu-suyt-mat-mang-204203.html

Theo Nguyên Hồng- Sử Hùng/Báo Pháp luật Việt Nam

Bạn có thể quan tâm