Chia sẻ với Zing, Bùi Thị Thủy Ngân (23 tuổi) cho biết cô không thể nhớ chính xác từng công việc tình nguyện và khoảng thời gian cụ thể mình đã tham gia suốt 3 tháng qua.
Cứ nhận được phân công mới, cô cùng các tình nguyện viên khác lại lên đường. Từ nhập liệu, lấy mẫu test cho đến chăm sóc sản phụ F0, Ngân đều sẵn sàng tham gia và cố gắng làm tốt.
“23 năm được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, mình đã có được những kỷ niệm tuổi thơ, nhiều bài học tốt đẹp, một môi trường sống tốt. Khi thành phố trở bệnh, mình tự nhủ bản thân phải làm gì đó xem như lời cảm ơn đối với mảnh đất này”, Ngân chia sẻ.
Thủy Ngân trở về TP.HCM tham gia chống dịch suốt 3 tháng nay. |
Thành phố lạ lẫm trong ngày trở về
Cuối năm 2020, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành PR - Tổ chức sự kiện, Ngân quyết định “bỏ phố về quê”. Cô rời TP.HCM và chuyển lên Đà Lạt mở một homestay (loại hình dịch vụ lưu trú mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân bản địa) để vừa tập tành kinh doanh, vừa thay đổi môi trường sống.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 5, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, homestay của Ngân buộc phải tạm dừng hoạt động. Trước đó, công việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nguồn thu hạn hẹp nhưng vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, duy trì cơ sở vật chất khiến cô gái 23 tuổi gặp không ít khó khăn.
Ngân hỗ trợ lấy mẫu test và nhập liệu ở Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. |
Cùng lúc này, dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp tại TP.HCM. Ở đợt dịch đầu năm 2020, Ngân từng tham gia đội tình nguyện viên nhập liệu ở Ký túc xá khu A, ĐH Quốc gia TP.HCM. Khi dịch bệnh trở lại, đầu tháng 5, cô nhận được tin nhắn từ cơ quan cũ huy động lực lượng từng có kinh nghiệm chống dịch quay về hỗ trợ.
“Trong khi mọi việc ở Đà Lạt gần như ngưng trệ, mình có thời gian rảnh thì tại sao không quay về giúp mọi người. Nghĩ vậy nên ngay hôm sau, mình thu dọn đồ đạc, nhờ bạn trông coi homestay ở Đà Lạt rồi một mình về lại TP.HCM”, Ngân kể.
Ngày “bỏ phố về quê”, Ngân vẫn nhớ như in một Sài Gòn náo nhiệt, ồn ào. Thế mà hôm trở về, thành phố vắng lặng, buồn bã đến nhói lòng.
“Đường phố không còn đông đúc, kẹt xe, thỉnh thoảng tiếng còi xe cấp cứu khiến mình lo lắng. Trước đây, bản thân từng chán cảnh tấp nập nhưng giờ lại cảm thấy nhớ”.
F0 chăm F0
Về lại Sài Gòn, Ngân không ghé nhà mà xách đồ đạc đến thẳng Ký túc xá khu A, ĐH Quốc Gia TP.HCM để nhận nhiệm vụ nhập thông tin người cách ly cùng các nhân viên y tế Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM.
Hơn một tháng sau đó, Ngân mới dám gọi điện thoại về nhà thông báo và thuyết phục bố mẹ để mình tham gia chống dịch.
Ngoài việc nhập liệu, Ngân cũng hỗ trợ lấy mẫu test. Mỗi ngày mặc đồ bảo hộ từ 8-10 tiếng, tình nguyện viên nhiều khi lả đi vì nóng và mệt nhưng vẫn phải cố tập trung cao độ vì chỉ một sai sót nhỏ của bản thân cũng có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống.
Ngân lau chùi vật dụng cho các F0. |
Cuối tháng 8, Ngân được điều động đến Bệnh viện Hùng Vương (quận 5) hỗ trợ chăm sóc các sản phụ F0.
Tại đây, cô làm việc theo hai ca (7h15-16h30 và 16h30-7h15), phụ trách các công việc: giao nhận, trả đồ cho bệnh nhân, điểm danh, chăm lo ăn uống, trực oxy, phát quần áo, drap giường, tiếp nhận thông tin bệnh nhân, nhận đặt các sản phẩm thiết yếu, dọn dẹp lưu trữ đồ cá nhân, chuyển bệnh nhân đi thu dung hoặc về địa phương.
Đến ngày 2/9, Ngân nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. “Lúc đầu, mình cũng hơi bất ngờ nhưng do từ đầu quyết định đi là chấp nhận mọi rủi ro nên tự trấn tĩnh lại bản thân để có thể mau chóng hồi phục”.
Những ngày đầu, Ngân thấy hơi khó thở và sốt nhẹ nhưng triệu chứng không nặng vì cô đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Với chỉ số CT 34,97 (chỉ số nồng độ virus thấp) và cảm thấy bản thân khoẻ mạnh bình thường, Ngân vẫn xin ở lại chăm sóc sản phụ F0.
“Hiện tại, mình dọn đồ lên bệnh viện ở, làm việc và cách ly, chứ không về lại khách sạn do bệnh viện cung cấp nữa. Mình hiểu bản thân cần phải lạc quan nhưng không chủ quan để vừa giúp chính mình lẫn các F0 xung quanh nhanh chóng bình phục”, Ngân nói.